Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Món Bánh Đập Hến ở Hội An

Hội An không chỉ hấp dẫn du khách bởi những con phố cổ kính, mà những món ăn địa phương ở đây cũng làm du khách mê mẩn. Bánh đập hến là một trong những món ăn không thể không nhắc đến
Nhắc đến món bánh đập (gồm bánh ướt và bánh tráng nướng) ở Hội An, Đà Nẵng, chắc hẳn nhiều người đều biết đến. Thậm chí một số du khách từng ghé đến đây lúc chập choạng tối còn có thể kể chính xác  hương vị món này khi ngồi ăn ở gánh hàng rong dưới chân cầu. Bánh đập Hội An là món khá phổ biến, nhưng kết hợp cùng với hến xào thì vẫn còn mới mẻ đối với nhiều thực khách.

Bánh đập hến Hội An
Hấp dẫn món bánh đập hến Hội An

Khi đặt chân đến Hội An và trò chuyện với dân địa phương để khám phá ẩm thực, bạn sẽ nghe nhắc đến Cồn Hến nổi tiếng ở khu vực Cẩm Nam thuộc phố cổ. Hến ở đây rất ngon, chắc thịt dù kích thước nhỏ xíu. Mỗi lần bắt được hến là nhiều người nghĩ đến việc chế biến xào sơ để ăn cùng bánh đập. Cứ như vậy rồi món này trở nên quen thuộc và là đặc sản khó lòng bỏ qua của bất kỳ ai đặt chân đến. 
Bánh đập hến Hội An
Bánh đập hến xào có cách chế biến đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại tạo nên nét đặc sắc ẩm thực ở Hội An.

Để chế biến món này, hến được xào một cách đơn giản để giữ được độ ngọt. Người đầu bếp sẽ cho chút dầu ăn vào chảo, đổ hến vào đảo qua đảo lại và nêm nếm chút gia vị vừa phải. Tiếp đó, họ sẽ đổ thêm các nguyên liệu như đậu phộng, hành phi, sa tế, thêm chút vừng và rau răm. Cuối cùng đổ ra đĩa nhỏ và dùng cùng với bánh đập.

Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm được vị thơm ngọt nhè nhẹ của bánh đập, vị mặn của hến xào và gật gù vì độ đơn giản nhưng vẫn ngon miệng của món này. 

Du khách đến Hội An muốn thưởng thức món dân dã này, có thể đi qua cầu Cẩm Nam chừng 100 mét, hỏi người dân về khu bán. Họ sẽ chỉ bạn đến một nơi tập trung trên dưới 10 quán chỉ chuyên bán bánh đập hến xào. Giá một phần ăn từ 15.000 đến 20.000 đồng. 
Theo dulichvietnam.com.vn

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Hòn Đốc (Hà Tiên)


Một ngày nắng đẹp, chúng tôi về miền đất Hà Tiên thơ mộng, làm xao xuyến lòng người với non xanh nước  biếc chập chùng… Từ đó, ra “hòn” là hành trình hấp dẫn, gây nhiều háo hức với dân đồng bằng như chúng tôi.

Mua vé 40.000 đồng, khách du lịch xuống tàu Minh Nga ở cảng Hà Tiên. Đúng 14g30 tàu xuất bến, vượt biển đi Hòn Đốc. Đứng trên boong tàu, du khách sẽ thấy thành phố Hà Tiên xinh đẹp với núi Tô Châu, núi Pháo Đài, đồi Bình San, núi Đèn, mũi Nai... mờ xa dần trong biển nước mênh mang.



< Bến tàu cao tốc ở Hà Tiên ra đảo Hải Tặc.

Hòn Đốc thuộc xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Hòn Đốc còn có tên gọi rất ấn tượng là “đảo Hải Tặc”, nằm ở khu vực biển Tây của Việt Nam. Hòn Đốc hợp với các đảo lân cận hình thành quần đảo Hải Tặc có diện tích đất nổi 1.100 hecta, gồm 16 hòn đảo cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý (27,5 km).

Tấm bia chủ quyền ở bờ Tây đảo Hải Tặc được xây vào năm 1958, ghi rõ: “Quần đảo Hải Tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’ 8; kinh tuyến 104 độ 20’ 0”. Quần đảo này gồm: Hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, hòn Tre Lớn, hòn Tre Vinh, hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giang, hòn Chơ Rơ, hòn Đước Non, hòn Bô Dập, hòn Đồi Mồi”.



< Một góc biển trời ở hòn Đốc.

Con tàu phăm phăm lướt sóng hướng về hòn Đốc. Giữa biển khơi xanh biếc, phía nào cũng nhìn thấy đảo, du khách tưởng chừng như đang du ngoạn giữa “tiểu Hạ Long”! Sau hai giờ hải hành, tàu cặp bến bãi Nam đảo Hải Tặc. Chúng tôi lên đảo, lúc nầy trời đã xế chiều, nhưng cảng cá vẫn nhộn nhịp hàng lên xuống. Tàu đánh cá về bến với rất nhiều cá bớp, cá đuối, ghẹ, mực, tôm… Khách du lịch ra đảo có thể mua về, mượn nồi hoặc nhờ bà con luộc, nướng giùm, cá rất tươi ngon và giá rất rẻ so với đất liền.

Lúc trên tàu, tôi tình cờ quen Tuấn, là dân đảo chính gốc. Tuấn đi học ở thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ thông tin, đang làm việc ở Sài Gòn. Tuấn dẫn bạn gái về quê chơi. Tối đến, Tuấn mời tôi đến nhà, “lai rai” rồi sau đó “đi săn cua”.



Soi và đâm cua biển ở những kè, gành đá ven đảo Hải Tặc là một ‘tiết mục’ hấp dẫn. Cua biển về đêm thường vào bờ, nép ven các vách đá để kiếm ăn hoặc tìm bạn tình, giao phối và sinh sản. Người soi cua dùng đèn pin cực mạnh để chiếu xuyên xuống nước và một cây chỉa hai có ngạnh, dài chừng hai thước. Khi soi gặp cua, người ta rọi luồng ánh sáng đèn chiếu ngay mắt cua; đôi mắt cua sẽ phản chiếu lại ánh sáng đỏ hồng như hai hạt lựu, trong suốt. Chúng sẽ bất động - gọi là ‘ăn đèn’ - thế là người ta phóng chỉa vừa tầm, đâm thật ngọt và êm.

Sau một đêm ngủ ngon lành với tiếng gió biển đưa sóng vỗ bờ rì rào, chúng tôi thức sớm khi mặt trời vừa mới nhô lên ở phía quần đảo Bà Lụa. Vượt qua dốc Miếu thoai thoải đổ xuống bãi Dừa thơ mộng. Một không gian hoang sơ hiện ra với khoảng trời biển bao la, tĩnh lặng. Một hàng dừa soi bóng yên bình bên bờ biển cát trắng phau phau. Trên núi, ven rừng  thỉnh thoảng có tiếng chim “lấu lấu”, chim “bắt cô trói cột” lảnh lót, vang động rồi yên ắng chìm sâu giữa biển, rừng hoang vu, tịch mịch…



< Một con đường vắng lặng trên Hòn Đốc.

Chúng tôi đi bộ vòng quanh con đường lát bê-tông rộng chừng 5 mét, dài khoảng 5 cây số chạy vòng quanh đảo. Một bên là núi với rừng cây sầm uất, một bên là biển với sóng vỗ gành tung bọt trắng xóa. Hoa bìm bìm tím, ngải chuối đỏ, muồng vàng, trâm ổi, hoa ly trắng… mọc hoang dại theo lối đi thật vô cùng nên thơ, lãng mạn. Ven đảo hiện vẫn còn một số cổ thụ có đến mấy trăm năm tuổi.

Đêm thứ hai trên đảo Hải Tặc, tôi đến nhà chú Tư ‘Xe Tăng’, một ngư dân cố cựu mà tôi đã quen trong chuyến ra đảo lần trước. Đêm trên đảo, gió thổi vu vu, sóng biển vỗ oàm oạp, đèn ghe câu mực chập chờn, lung linh… Ông Tư 'Xe Tăng' lim dim, nhấp ly rượu thuốc kể: “Ông nội tôi nói lại, hồi đó trên đảo nầy có đảng cướp ‘Cánh Buồm Đen’. Bọn cướp chủ yếu đánh những tàu buôn, thường là của Trung Quốc và các nước đi ngang vịnh Hà Tiên, Rạch Giá. Trên cột buồm tàu của bọn cướp biển thường treo cây chổi với ý nói quét sạch tàu qua lại. ‘Cánh Buồm Đen’ hoạt động trên một vùng biển rộng lớn thuộc vịnh Thái Lan…



< Hòn Tre Vinh, trong quần đảo Hải Tặc.

Đến bây giờ, người ta vẫn đồn râm ran về một kho báu được bọn cướp biển chôn giấu đâu đó trên nhóm đảo này… Có một người Mỹ và một người Anh đã đến đây để săn tìm... ‘kho báu’. Vụ việc  diễn ra vào một buổi chiều tháng 3 năm 1983, ngư dân xã Tiên Hải đã vây bắt được hai người nầy khi họ xâm nhập đảo. Họ khai rằng mình có một tấm bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại, chỉ dẫn tới kho báu mà hải tặc chôn giấu! Gần đây, vào đầu năm 2009, một số ngư dân lặn tìm ốc, hải mã tình cờ gặp một số lượng khá lớn tiền đồng cổ…”.

Ngày nay, hòn Đốc đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Xã đảo Tiên Hải đã có trường cấp II, trạm xá, bưu điện, đường sá trên đảo được lát bê-tông kiên cố. Đời sống cư dân trên đảo sung túc, ổn định. Khách du lịch tìm đến tham quan đảo một ngày một đông. Đã có nhiều dự án đầu tư dịch vụ du lịch đang được triển khai ở đây.



Ra chơi đảo Hải Tặc, có một món mà bạn không thưởng thức thì rất đáng tiếc. Đó là món ghẹ tươi hấp bia! Ghẹ giống như cua biển, nhưng mình mỏng, vỏ mềm, hơi dẹp. Ghẹ ngon là những con thật chắc, dẻ dặt, to cỡ bốn ngón tay, bấm vào yếm không lún.

Ghẹ rửa sạch, cho vào nồi, đổ chừng một lon bia hấp với củ sả đập dập. Ghẹ hấp bia khi chín sẽ có màu vàng gạch tôm quyện với hương vị thơm lừng của mùi bia, củ sả, sẽ rất hấp dẫn. Ghẹ hấp bia phải ăn lúc còn nóng. Ta dùng tay bóc khéo mai, lộ ra tảng gạch chắc nịch, vàng ruộm, rồi bẻ thân ghẹ thành hai hoặc thành bốn miếng, gỡ ra những thớ thịt trắng muốt. Lấy muỗng nhỏ múc gạch, cho vào từng chén. Gạch béo ngậy cùng vị cay nhẹ của muối tiêu chanh, tương ớt, thấm vào miệng lưỡi, ngây ngất tuyệt vời hương vị đặc trưng, ngọt mềm. Sau ăn gạch là đến thịt ghẹ.



< Hòn Đốc ngày nay.

Ăn ghẹ cũng là một nghệ thuật, bạn từ từ bóc yếm, bóp vỡ càng, gỡ thịt, nhấm nháp lai rai từ con nầy đến con khác. Đối với càng ghẹ lớn, nên dùng kìm bóp giập hai càng, gỡ từng mảng vỏ, sau đó sẽ gặp khối thịt nhỏ màu trắng hồng, chắc lẳn, to bằng ngón tay út, ăn vào thơm, ngọt thấm dịu cả đầu  lưỡi. Ăn ghẹ hấp bia, nhâm nhi với chút rượu đế ngon hoặc bia thì “quá đã”!

Hướng dẫn thêm:

Từ TPHCM, du khách theo quốc lộ 1A về Vĩnh Long; qua khỏi cầu Mỹ Thuận thì rẽ phải, theo quốc lộ 80 đi qua Sa Đéc (Đồng Tháp), vượt phà Vàm Cống là đến thành phố Long Xuyên. Từ Long Xuyên đi Tri Tôn - Vàm Rầy - Kiên Lương - Hà Tiên. Đường dài chừng 350km, dễ đi. Khoảng cách Hà Tiên - Hòn Đốc đi tàu cao tốc chừng 11 hải lý (21,7km).

Theo Đặng Hoàng Thám (Thời báo Kinh Tế Sàigòn)
Du lịch, GO!

Hòn Nghệ (Hà Tiên)


Khoảng 12 giờ trưa, tàu rời bến thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), trong thoáng chốc đã lọt thỏm giữa vùng biển xanh thẫm chung quanh nhấp nhô, lớn nhỏ những núi non, hải đảo, cứ như đang ở vịnh Hạ Long. Hai giờ sau, tàu cặp bến hòn Nghệ (xã Hòn Nghệ, Kiên Lương).
< Nhấp nhô núi, đảo trong vùng biển Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Từ “homestay”…
Hòn Nghệ không có khách sạn, nhà nghỉ, kể cả phòng trọ, nhưng người dân nơi đây rất mến khách, xem khách từ đất liền ra là người thân. Nhờ vậy mà mới quen nhau trên tàu chúng tôi đã được ông Vũ Ngọc Dẻo nằng nặc “kéo” tới nhà ông ăn nghỉ.

Con đường từ bãi Nam qua bãi Chướng dài khoảng 3 cây số, có một đoạn qua hẻm núi dài chừng năm trăm thước. Đến giữa hẻm núi, mồ hôi ướt đẫm áo cũng khô ngay và cả người mát khỏe nhờ gió biển lồng lộng thổi vào. Theo con đường tráng xi măng, chẳng bao lâu chúng tôi đến nhà ông Dẻo ở cuối bãi Chướng. Nước giếng mát lạnh xối lên người, gió chướng phần phật thổi, khỏe ơi là khỏe.



< Bến tàu hòn Nghệ.

Vui mừng gặp khách phương xa, ông Dẻo “đày” chúng tôi trở lại bến tàu - bãi Nam - bằng chiếc xuồng máy chạy một vòng chân đảo. Sóng bỏ vòi trắng xác khiến xuồng như sắp chìm trong ngọn gió chướng cấp 3 cấp 4. Từ cuối hòn phía tây vòng qua bãi Nam, biển lặng trang. Đây là nơi tập trung neo buộc hàng trăm lồng bè, trong đó có lồng bè của ông Dẻo. Trên bè khá đầy đủ tiện nghi với nồi niêu xoong chảo, nước ngọt và cả máy phát điện. Ông Dẻo dùng vợt xúc bốn con cá mú đang nuôi, kêu vợ chiên một con, còn lại nướng để chấm muối ớt. Lại có canh chua cá bớp cùng một vài loại cá khác. Một bữa cơm ê hề, no nê và phải nói là ngon “thấu trời” vì cá tươi kèm rượu ngon, vì tính hiếu khách của gia chủ cùng một số bà con lân cận, đặc biệt vì được nhìn ngắm mặt trời đỏ lựng từ từ chìm xuống biển xa. Biển - Đảo

Từ lồng bè nhìn lên ngọn núi sa thạch cao 338 mét, trong màu xanh thẫm cây rừng có vài lõm vàng ệch. Ông Dẻo cho biết đó là cây sặc, một loại cây như cây lau sậy nhưng đặc ruột, mọc rất nhiều ở triền núi và giải thích là do màu vàng của cây sặc xưa kia phủ đầy ngọn núi nên người ta gọi đảo này là hòn Nghệ.



< Khu lồng bè nuôi cá ở Bãi Nam.

Xong bữa ăn trên bè cá bồng bềnh, chúng tôi xuống xuồng máy lướt sóng về bãi Chướng. Chúng tôi nằm trong gian nhà trước, cửa để ngỏ suốt đêm, không giăng mùng. Tiếng sóng ầm ào vỗ vào chân đảo không ngớt bởi ngọn gió chướng trùng dương không át nổi tiếng ngáy của mấy người trong nhóm chìm sâu trong giấc ngủ kéo dài đến sáng hôm sau, khi mặt trời ưng ửng ló lên từ chân trời mặt biển. Chủ nhà đưa chúng tôi ra quán cóc ăn sáng uống cà phê rồi lại lấy xuồng máy đưa chúng tôi đi vòng quanh đảo.


Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “Uất Kim Dữ (hòn Nghệ) chu vi 20 dặm, ở về biển phía nam của Trấn (Hà Tiên – NV). Ở đây cây tốt tre cao, động đá tối tăm, sản xuất các loại yến sào, dầu rái và than củi. Dân miền biển dựng lều quanh bờ khe triền núi”.

Ngày nay người dân sống tập trung dài theo bãi Nam và bãi Chướng, đa số sống bằng nghề đánh bắt hải sản, gần đây lại phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè. Nằm trong vịnh Hà Tiên, cách mũi hòn Chông (Kiên Lương) khoảng 15 ki lô mét về phía tây nam, cách quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương) 8 ki lô mét về phía đông nam, hòn Nghệ có hình bầu dục, diện tích chừng 3,8 ki lô mét vuông. Bập bềnh trên sóng nước tới trưa, ông Dẻo lại đưa chúng tôi về cặp lồng bè, thêm một bữa cơm với cá là cá, ăn hoài không biết chán.




Đến tour... “pagodastay”

< Mũi Đá Chuông (bên trái) với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát - nơi có ngôi Liên Tôn cổ tự.

Từ ngoài khơi nhìn hòn Nghệ thấy có hai phần núi rõ rệt. Cụm lớn nhất phía tay phải, là đảo chính với cây rừng che kín ngọn. Cụm nhỏ bên tay trái cây cối thưa thớt bày ra những tảng đá xám đen với nhiều vết cắt kỳ quái. Đó là mũi Đá Chuông, cấu tạo bằng đá vôi karst, nơi có ngôi chùa cổ Liên Tôn.

Từ tam quan lên chùa là con đường ngoằn ngoèo, dài cả trăm thước vô cùng ngoạn mục, khi lên lúc xuống dốc với những bậc đá thấp cao. Hai bên đường là những tảng đá tai mèo chớn chở như cọc chông nhọn hoắt, nhìn cứ tưởng như đang đặt chân tới khu Thạch Lâm (khu rừng đá tự nhiên tại huyện tự trị dân tộc Di Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Vị trụ trì Liên Tôn cổ tự là đại đức Thích Minh Thuận vui vẻ tiếp khách. Sư trụ trì cho biết, Liên Tôn cổ tự được sư cô Diệu Thiên từ Cà Mau đến phát hoang và lập bàn thờ trong hang đá. Về sau, sư cô xây thêm một vài gian nhà ở gần hang, đặt tên chùa là Liên Hoa. Năm 1974, sư cô viên tịch, hòa thượng Thích Nhựt Minh từ chùa Linh Sơn (Cà Mau) ra đây thay sư cô trụ trì chùa. Vị hòa thượng trụ trì này cho xây trên ngọn đồi đá pho tượng Phật bà Quan Âm cao 21 mét nhìn ra biển như hiện tại. Trước tượng Phật Bà có một tảng đá chuông (gõ vào kêu thanh thao như tiếng chuông).




< Tam quan của Liên Tôn cổ tự.

Cổng chùa nhỏ phủ rêu phong. Bước vào mới biết đây là một cửa hang. Vào sâu chừng trăm thước, lòng hang rộng ra là chánh điện của chùa. Là núi đá vôi, mũi Đá Chuông còn có rất nhiều hang động. Trong đó có bốn hang được gọi tên là hang Đạt Ma sư tổ, hang Phật Cô Đơn, hang Dấu Ấn Gia Long và hang Quýt (Quýt là tên người đầu tiên phát hiện ra hang này).

Con đường từ chùa Liên Tôn đến hang Phật Cô Đơn dài khoảng 200 mét, vòng vèo trên sườn núi, đi luồn qua dưới vòm cây rừng xanh kín ngọn, mát rượi, khi lên lúc xuống dốc với khá nhiều những tảng đá khá bự chận lối, phải trèo qua. Căng nhứt là lối đi nhỏ chỉ vừa một người. Nhà sư được đại đức trụ trì giao hướng dẫn chúng tôi viếng cảnh chùa đi bay bay như có khinh công khiến chúng tôi theo không kịp, tụt lại phía sau.


Giống như chánh điện Liên Tôn cổ tự, hang Phật Cô Đơn có một khoảng rộng, là nơi có pho tượng Phật Thích Ca. Năm 2010, chùa mới an vị thêm tượng Địa Tạng Vương Bồ tát. Người dẫn đường rọi đèn pin lên vòm hang, chỉ chúng tôi xem những chiếc vảy rồng và cả một con suối được tạo hình từ những vết nước mưa.

Ấn tượng nhất là đoạn đường đến hang Dấu Ấn Gia Long cũng chỉ hơn trăm mét nhưng ai nấy cảm thấy nó dài thăm thẳm vì những bước chân hồi hộp trên mặt đường có bề ngang chừng 5 tấc, vừa đủ hai bàn chân bước, không tay vịn, không gì cả. Lần bước trên những tảng đá không bằng phẳng, nhìn sâu xuống dưới hàng năm sáu chục thước, một bên là vực biển, một bên là rừng chông bằng đá chơm chởm xỉa lên. Ai nấy rợn người. Chỉ có người dẫn đường vẫn thoăn thoắt bước như đi dạo trên bãi biển.



< Hoàng hôn trên bãi Nam, hòn Nghệ.

Qua đoạn đường thót tim trên cao lại phải xuống khá sâu mới tới hang. Trên vách đá trong hang nổi lên một mặt đá phẳng, rộng chừng một tấc vuông, có vết hằn như khắc chữ loằng ngoằng, trông như dấu ấn (triện của nhà vua), nên người ta đặt tên hang như vậy. Trong hang còn có một tảng đá hình dạng như con voi. Hang Dấu Ấn Gia Long còn một lối đi khác, dễ đi hơn nhưng cũng không kém phần nổi gai ốc.

Buổi chiều hôm đó chúng tôi dùng cơm chay của chùa. Thức ăn chay đạm bạc mà vẫn ngon miệng. Ngon nhứt là rau. Trông những cọng rau “ốm yếu” vậy mà ăn ngọt và giòn nhờ trồng trên đất núi, không bón phân. Sụp tối, tiếng con chim gì kêu “lấu lấu” vang động núi rừng. Đêm, chúng tôi ngủ xếp lớp chung với nhiều người đến chùa cúng, viếng.

Hàng năm, khoảng từ trước tết Nguyên đán một tháng đến cuối tháng Ba âm lịch, rất nhiều phật tử từ Đà Nẵng trở vô thường ra đây hành hương viếng Liên Tôn cổ tự và khám phá cảnh quan còn khá hoang sơ của hòn Nghệ. Tất cả được ăn nghỉ miễn phí tại chùa. Chúng tôi gọi đùa đây là tour “Pagodastay”. Ngoài ra, ngày vía Bà Chúa Xứ ở bãi Chướng (20 tháng Hai âm lịch) và lễ nghinh Ông (16 tháng Giêng) cũng là thời gian hòn Nghệ thu hút rất nhiều khách hành hương.

Du lịch, GO! - Theo SGT

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Đảo Hải Tặc (Hà Tiên)


Trên bản đồ hành chính của Việt Nam mình hôm nay, có một địa danh mà nhiều người bầu chọn là chỉ cần “xướng” lên cái tên chính thức một lần thôi đã xứng đáng là điểm đến kỳ bí, lạ lùng và khiến nhiều người thích khám phá vào bậc nhất: “Quần đảo Hải tặc”.

Cái tên quần đảo Hải Tặc ra đời từ khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Nó nổi tiếng với những vụ cướp biển quy mô lớn, có tổ chức. Thời kỳ này, nhiều tàu buôn của Trung Quốc và các nước phương Tây qua đây. Nay quần đảo thuộc xã Tiên Hải (TX Hà Tiên), cách đất liền 18km, cách đảo Phú Quốc 40km.

Quần đảo Hải Tặc có tới 14 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ mới có 6 hòn có người ở được ghi nhận gồm: Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Giang, Hòn Uï, Hòn Đước và Hòn Đồi Mồi. Người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, dịch vụ.


Quần đảo Hải Tặc còn gọi là quần đảo Hà Tiên, nằm trong vịnh Thái Lan, phía tây bắc là quần đảo Bà Lụa, phía đông là đảo Phú Quốc, thuộc địa bàn xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.


Thời Pháp, quần đảo này thuộc làng Tiên Hải, tỉnh Hà Tiên. Quần đảo Hải Tặc có tổng diện tích đất nổi là 1.100ha, bao gồm 16 hòn đảo nằm gần nhau cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý và cách đảo Phú Quốc 16 hải lý, trong đó lớn nhất là đảo Hòn Đốc. Hiện nay có khoảng 7 đảo có cư dân sinh sống, còn lại đều là đảo hoang.

Theo lời kể của những người dân cố cựu ở Hà Tiên, sở dĩ có tên là quần đảo Hải Tặc vì trong 3 thế kỷ gần đây, quần đảo này từng là căn cứ của bọn hải tặc. 

Xuất phát từ đây, bọn cướp biển khống chế các tàu buôn từ Hà Tiên - Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan. Vàng bạc châu báu cướp được, bọn chúng đem chôn giấu tại một số địa điểm bí mật trên quần đảo.

Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư thuê một số hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc để phát triển các khu du lịch sinh thái biển. Bước đầu đã có hai nhà đầu tư được chọn. 

Trong đó, Cty Cổ phần Thủy sản Kiên Giang được tỉnh đồng ý cho thuê 6 hòn đảo để đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, câu cá.... Cty Nhất Tâm - Laspapim (Tp.Hồ Chí Minh) thuê đảo Hòn Tre để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng, một trường quay phim đạt tiêu chuẩn quốc tế...



Tỉnh Kiên Giang cũng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái trên đảo Hòn Tre Vinh và Hòn Đước thuộc quần đảo Hải Tặc của Cty Thương mại và Sản xuất T&T. 
Tại đây, người ta dự định sẽ xây khu nghỉ, thể thao biển và các dịch vụ giải trí, du lịch khác trên diện tích khoảng 42ha. Dự kiến, công trình đầu tiên sẽ được xây dựng vào năm sau và đến năm 2010, một số hạng mục có thể phục vụ khách du lịch.

Theo đồ án quy hoạch, khu du lịch được phân thành hai khu chính. Trong đó, đảo Hòn Đước được chia thành 17 khu chức năng và đảo Hòn Tre Vinh được chia thành 12 khu chức năng. Khu du lịch này có khả năng phục vụ lưu trú, nghỉ dưỡng được khoảng 400 người, trong đó 230 khách/ngày đêm và số lao động làm việc trên đảo 170 người...

Với tiềm năng sẵn có, chắc chắn trong tương lai gần, đảo Hải Tặc sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp, phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Du lịch, GO! tổng hợp từ YuMe, Xaluan

Tàu từ Hà Tiên ra đến quần đảo Hải Tặc mất 1h30 phút. Đa phần diện tích các đảo là cây rừng che phủ, nơi giáp với nước mặn là ghềnh đá trơ trọi và hoang sơ.

Điện ở đảo được cung cấp bằng máy phát điện từ 17 giờ - 23 giờ đêm. Lưu ý sạc điện thoại, pin máy ảnh, máy quay phim trong thời gian này.

Thắng Cảnh Hà Tiên


Hà Tiên là một thị xã biên giới, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 90km đường bộ. Dưới thời Pháp thuộc có khi Hà Tiên là một tỉnh, có khi là một quận. Thời VNCH, Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Ngày nay đây là Huyện Hà Tiên cũng thuộc Kiên Giang (thủ phủ là Rạch Giá).

Đặc điểm:

Thị xã Hà Tiên được hình thành cách đây gần 300 năm mà tên tuổi của nó được gắn liền với dòng họ Mạc. 
Tuy là một vùng đất biên thuỳ xa nơi kinh thành đô hội, Hà Tiên lại là quê hương của những nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng. Thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát và nữ sĩ Mộng Tuyết sinh sống ở Hà Tiên. Đây cũng là quê hương của soạn giã Hà Triều Hoa Phượng. Tỉnh Kiên Giang là sinh quán của nhà văn Sơn Nam, nhạc sĩ Lam Phương và nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà nổi tiếng với bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Hà Tiên cũng là bối cảnh của tuồng cải lương Áo Cưới Trước Cổng Chùa, một tuồng cải lương rất ăn khách trong thập niên 60.



 Hà Tiên còn là nơi hội tụ của nhiều danh lam thắng cảnh, thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ: có hang sâu, động hiểm, nhiều đảo đá trên biển; có sông, hồ, chùa, lăng tẩm và nhiều bãi tắm đẹp. 

Thơ mộng Đông Hồ 

Trước đây, để vào Hà Tiên người ta phải qua cầu phao bắt ngang sông Tô Châu. Bây giờ đã có một cầu bêtông rất vững chắc nên xe qua sông rất thuận tiện. Cầu mới cũng có tên là cầu Tô Châu. Từ trên cầu nhìn toàn cảnh Hà Tiên cũng khá đẹp. Ở đây có núi, có sông, có hồ. Dưới sông thuyền bè tấp nập. Trên núi có hai tịnh xá thuộc phái Khất sĩ. Phía dưới là phố chợ Hà Tiên. 



Thị xã Hà Tiên sầm uất và nên thơ nằm giữa các núi pháo đài (Kim Dữ), núi Lăng (Bình San), núi Ngũ Hổ và Đông Hồ. Muốn ngắm toàn cảnh Hà Tiên không gì thú bằng trèo lên tận đỉnh núi Tô Châu, một quả núi nho nhỏ, xinh xắn nằm phía trước thị xã.

Đứng từ đỉnh, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan Đông Hồ, một hồ nước có chiều dài 3km và rộng 2km, ở ngay cửa sông Giang Thành. Đông Hồ đẹp nhất vào những đêm gió mát trăng thanh, do đó họ Mạc (Mạc Cửu) mới đặt tên là “Đông Hồ ấn nguyệt” tức Đông Hồ in bóng trăng. 
Ngày xưa, gần núi Tô Châu có một đảo nhỏ gọi là Tiểu Kim Dữ, nay đã dính vào địa đầu núi này. Đối diện với Tiểu Kim Dữ là Đại Kim Dữ ở bên mé chợ Hà Tiên, họ Mạc đặt tên là “Kim Dữ lan đào” (hòn đảo vàng chắn sóng gió). 



Lăng họ Mạc 

Từ mé Kim Dữ đi về hướng tây vài km là đến núi Lăng tức Bình San. Họ Mạc đặt tên là “Bình san điệp thuý”. Trên núi Lăng có lăng mộ họ Mạc, hiện nay còn khoảng hơn 40 ngôi, có bia đá. Ngôi mộ Mạc Cửu quy mô hơn cả, chiếm địa thế cao nhất. Trước lăng có tượng Mạc Cửu mặc nhung phục, tay cầm kiếm đứng trên một bệ cao oai phong lẫm liệt. Dưới chân núi Lăng có đền thờ họ Mạc, lúc nào cũng mở cửa để khách thập phương đến chiêm bái.

Từ lăng tẩm họ Mạc, du khách có thể đến thăm chùa Phù Dung gần đó. Chùa do Mạc Thiên Tích xây để cho bà vợ thứ tu hành. Còn một ngôi chùa khác mang tên Tam Bảo do Mạc Cửu xây để cho mẹ già tu niệm cùng với hai quả đại hồng chung ngân vang, được họ Mạc đặt tên là “Tiêu tự thần chung”. 



Những khối đá kỳ hình dị dạng

Từ chợ Hà Tiên đi về hướng biên giới chừng 3km là Thạch Động. Động đá này cao 98m, hình dáng tương tự như chiếc mũ lông của lính ngự lâm Hoàng gia Anh Quốc, trông vừa đẹp vừa lạ mắt. Đi thêm chừng 2km nữa thì đến núi Đá Dựng. Đây là ngọn núi đá vôi cao 83m, đỉnh bằng phẳng, bên trong có nhiều hang động đầy thạch nhũ óng ánh trông như ngọc châu. Họ Mạc đặt tên là “Châu nham lạc lộ” (châu nham là núi như châu ngọc, lạc lộ là bãi chim cò thường đến ngủ). 



Nếu đi dọc bờ biển, cách thị xã 4km là Mũi Nai, cao 100m, trên đỉnh có ngọn hải đăng xây từ thế kỷ 19. Từ xa trông Mũi Nai nhô ra biển chẳng khác nào đầu chú nai đang ngơ ngác nhìn sóng nước. Đẹp nhất và nổi tiếng nhất phải kể đến hòn Phụ Tử (đã bị đổ), xưa nay là hình ảnh biểu trưng cho non nước Hà Tiên thơ mộng và quyến rũ. Hòn Phụ Tử gồm hai trụ đá, một cao lớn, một thấp bé nhô lên từ biển trông như hình tượng cha con quấn quýt lấy nhau, dầm mưa dãi nắng từ bao vạn kỷ giữa mặt nước trong xanh... 
Bãi biển Mũi Nai là một bãi biển đẹp của đất Hà Tiên nằm gần biên giới Miên - Việt. Đây là một bãi biển đẹp với những hàng cây bàng và dừa rậm mát bên bờ biển. Dưới những cây bàng, người ta đặt bàn ghế và ghế bố để du khách có thể ngồi nghỉ ngơi và tắm biển. Bãi biển hình vòng cung, phía xa là một dãy núi thấp. Ngoài khơi mấy chiếc thuyền nhỏ đi lại, phong cảnh hữu tình.



Nằm cách trung tâm Hà Tiên chừng 3 km giữa đồng bằng có một khối đá nhô lên cao khoảng 90 mét, bên trong khối đá nầy là Thạch Động. Người dân địa phương tin rằng Thạch Động chính là nơi mà chàng Thạch Sanh đã cứu công chúa trong câu chuyện cổ Thạch Sanh Lý Thông.

Cửa động khá cao, cạnh đó là ba chữ Hán "Tiên Sơn Động". Hàng triệu năm trước, nước đã xâm thực giữa khối đá vôi khoét ra một khoảng trống lớn đủ để xây được một ngôi chùa với những nhũ đá đẹp trên vách động. Đông còn có một giếng sâu, người dân nơi đây cho rằng giếng nầy ăn thông ra tới biển, vì nếu bỏ một trái bưởi có đánh dấu vào đây, một thời gian sau ta có thể thấy trái bưởi ở ngoài bờ biển. 

Từ trong lòng Thạch Động, có nhiều nhánh thông ra bốn phía. Trần mỗi nhánh động cũng khá cao và có bậc thang để ta có thể ra tận cửa hang ngắm cảnh. Từ cửa hang bên phía tây ta có thể nhìn những cánh đồng bát ngát kéo dài từ Việt Nam qua tận Campuchia. Biên giới với nước bạn chỉ cách đây chỉ vài cây số.

Hiện nay, nhiều di tích cấp QG tại Hà Tiên bị xâm hại nhiều do sự xói mòn của thiên nhiên lẫn sự thiếu quan tâm của con người, đáng tiếc thay!

Tổng hợp từ Tổng cục du lịch Việt Nam, Lãng Tử 360plus
ĐGD

Chùa Phật Đà (Hà Tiên)


Chùa Phật Đà thường được gọi là chùa Lò Gạch, tọa lạc ở số 32, đường Mạc Cửu, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa nằm dưới chân núi Bình San, cạnh lăng Mạc Cửu. Xưa kia, nơi đây có cái lò gạnh bị bỏ hoang. Đến năm 1945, trên bước vân du hành đạo miệt Hà Tiên, Hòa thượng Thích Chí Hoà, (thế danh Nguyễn Văn Tịnh) đã dừng chân tại chỗ này và lập nên một ngôi chùa nhỏ bằng cây lá mang tên là Tịnh Xá Chí Hòa. Và vì cái lò gạch được sử dụng làm chánh điện, để tụng kinh bái sám, nên dân địa phương gọi là Chùa Lò Gạch.



Trong thời gian trụ xứ và giáo hoá tại bổn tự, Hòa thượng đã mở mang khu vực xung quanh và xây cất thêm nhiều am tranh tịnh thất để tiếp Tăng độ chúng.

Năm 1949, Hòa thượng cùng với vài đệ tử sang Campuchia để hoằng pháp. Một năm sau đó, Ngài trở về lại quê hương và tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, Hòa thượng viên tịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Người kế vị trụ trì là Hòa thượng Thích Quảng Tấn.



Ngài Quảng Tấn thế danh là gì, sanh năm nào, ở đâu, hành trạng ra sao, không ai rõ. Chỉ biết rằng sau khi Ngài Quảng Tấn tịch thì bà Dương Thị Thoàn, pháp danh Diệu Trí, người bí mật hoạt động cách mạng với bí danh là Trần Thị Thanh đã đến ở và coi sóc chùa.

Năm 1993, theo nguyện vọng của bà Diệu Trí và Phật tử ở đây, Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang đã bổ nhiệm Đại đức Thích Huệ Tâm, trú xứ chùa Phước Hưng (Sa Đéc) về trụ trì và đổi tên ngôi Tịnh xá thành Chùa Phật Đà. Do vì trải qua một thời gian dài không người tu bổ nên ngôi Tam bảo vốn hư cũ ngày càng thêm xuống cấp nặng. Thế nên vào tháng 9/1993, thầy trụ trì đã cho khởi công trùng tu, xây dựng mới lại ngôi đạo tràng này.



Năm 1998  với tâm thiết tha quy ngưỡng đường lối tu Thiền của Thiền sư Thích Thanh Từ, thầy xin nhập chúng tu học với Thiền sư tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng – Đà Lạt. Đến năm 2000, vì bệnh duyên nên thầy phải trở về trụ xứ. Cũng trong thời gian này, thầy được Tỉnh hội bổ nhiệm làm Chánh đại diện Phật giáo thị xã Hà Tiên cho đến nay.

Năm 2009, chùa được trùng tu lại rất khang trang với đầy đủ các phòng nhà cần thiết cho sự sinh hoạt của một Tòng lâm. Mặc dù cơ sở không qui mô nhưng với lối kiến trúc hài hòa, chùa Phật Đà đã góp vào cụm thắng tích “Bình San Điệp Thúy” một danh lam Phật tự thật trang nghiêm, thanh nhã.



Chùa Phật Đà là một công trình nghệ thuật kiến trúc Phật giáo rất độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, vừa cổ kính, lại vừa hiện đại làm tăng thêm vẻ đẹp nên thơ của thắng cảnh Bình San điệp thúy ở vùng đất Hà Tiên thập cảnh.

Chùa có kiến trúc theo hình chữ “nhất” mang đậm bản sắc Á Đông, được phối hợp giữa nét kiến trúc cổ và kỹ thuật hiện đại. Quần thể kiến trúc chùa bao gồm chánh điện, nhà thờ tổ, đông lang và tây lang, nhà phương trượng và tăng phòng. Chánh điện chùa có kiểu lò nung gạch, bên trong có tượng một vị bồ tát cầm phương trượng, nét mặt từ bi, tự tại mang hình tượng ngài Mục Kiền Liên đi tìm mẹ ở chốn âm cung.



Khác với kiến trúc thông thường ở các ngôi chùa Việt, chùa Phật Đà không có cổng tam quan, thay vào đó là hai cánh cổng được thiết kế hai bên theo mô típ kiến trúc cổng chùa của xứ Hàn. Điểm nhấn nổi bật của chùa là cây bồ đề nằm chính diện trước sân có niên đại hơn 60 năm.

Dưới gốc bồ đề tôn trí pho tượng Phật Thích Ca với tư thế tọa thiền, điều kỳ lạ là cội rễ của cây bồ đề bao trùm lên bệ tượng và đưa pho tượng lên cao hơn so với vị trí ban đầu. Thân cây có đường kính khoảng 1,5m, nhánh và tán lá xum xuê nhưng toàn bộ cội rễ đều mọc ra phía trước và hai bên mà không hề mọc vào trong sân chùa. Nhiều nhà thực vật học phải thán phục và không hề giải mã được điều kỳ lạ này.



Quả là:

“Đây chùa Lò Gạch núi Bình San
Một thuở hoang vu gội gió ngàn
Núi nhỏ um tùm cây cỏ dại
Chùa quê quạnh quẽ bóng trăng tàn
Nhân duyên pháp Phật hoa thiền nở
Cảnh trí Không môn rợp nắng vàng
Sớm vọng chuông ngân tan niệm tục
Chiều vang mõ nhịp cõi lòng an.”
Du khách đến tham quan Hà tiên thập cảnh, hành hương chiêm bái danh lam thắng cảnh nơi đây thường ghé vào chùa viếng thăm lễ Phật.

Chùa Phật Đà không chỉ đẹp về lối kiến trúc độc đáo mà còn là một không gian thiền định, một chốn thiêng liêng của cõi Phật đường. Nơi đây, nền văn hóa Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh Phật giáo nói riêng được tôn vinh và gìn giữ.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Giác Ngộ, NTO

Bài đăng phổ biến