Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Kinh nghiệm du lịch Rừng Cúc Phương (Ninh Bình)

Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 120km về phía tây nam, cách thành phố Ninh Bình 45 km về phía Tây Bắc. Cúc Phương có diện tích 25.000ha, tiếp giáp 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Khu rừng như một bảo tàng thiên nhiên rộng lớn, nơi lưu giữ hệ động, thực vật rừng trên núi đá vôi phong phú nhất ở Việt Nam. Đến Cúc Phương, du khách được chiêm ngưỡng những cây cổ thụ ngàn năm, những loài thực vật tồn tại từ kỷ đệ tam, những loài chim quý tuyệt đẹp…

Rừng Cúc Phương - iVIVU.com
Thời gian du lịch
Cúc Phương đẹp nhất vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, khi những cơn mưa rừng dữ dội đã đi qua. Bạn nên tránh đi Cúc Phương vào những ngày mưa vì trong rừng không khí ẩm ướt, nhiều muỗi và vắt. Chúng bám vào chân tay bạn, chích máu mà bạn có thể không hay biết.
Cúc Phương ngày nắng - iVIVU.com
Di chuyển
Đi từ Hà Nội đến Cúc Phương
Xe máy: Từ hướng Hà Nội – Ninh Bình nếu muốn đi đến Cúc Phương, bạn ra Pháp Vân, xuôi theo quốc lộ 1A đến ngã ba Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình 10km), tiếp tục đi theo quốc lộ 12 chừng 35km là đến cửa rừng (km số 15 tính từ Nho Quan). Từ đây nếu du khách muốn tới được các điểm tham quan, cần đi thêm 20km nữa.
Xe khách: Bạn ra bến xe Giáp Bát lên xe có ghi Nho Quan – Me, xe sẽ về thẳng bến xe Nho Quan (giá 80.000 – 100.000 VND/vé), tới bến xe Nho Quan có xe bus vào tới Cúc Phương (Từ bến xe Nho Quan vào tới cửa rừng là 10km).
Đi từ Ninh Bình đến Cúc Phương
Từ hướng Ninh Bình – Hà Nội, theo quốc lộ 1A đi về phía Hà Nội qua thành phố Ninh Bình 5 km rẽ trái theo đường đi Cố Đô Hoa Lư, qua khu du lịch tâm linh Bái Đính, qua khu du lịch hồ Đồng Chương rồi vào Cúc Phương. Hoặc từ Ninh Bình theo quốc lộ 1A về phía Hà Nội đến ngã ba Gián Khẩu rẽ trái theo quốc lộ 12A, qua thị trấn Nho Quan 2km rồi rẽ trái vào Cúc Phương.
Đi từ thành phố Thanh Hóa
Từ thành phố Thanh Hoá, đi theo quốc lộ 1A xuôi về phía Hà Nội, đến gần thị xã Bỉm Sơn (chừng 3km – 4km) rẽ trái, đến ngã tư Phố Cát rẽ phải, đến ngã ba Trại Ngọc rẽ trái vào Cúc Phương hoặc đến Ninh Bình đi theo chỉ dẫn như trên.
Đi từ thị xã Hòa Bình
Từ thị xã Hoà Bình, theo quốc lộ 12B xuôi về thị trấn Nho Quan, cách thị trấn Nho Quan chừng 2km rẽ phải rồi vào Cúc Phương.
Dịch vụ phòng nghỉ khách sạn
– Đến Cúc Phương, bạn có thể nghỉ tại Cúc Phương Resort – Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng chỉ cách Vườn Quốc gia Cúc Phương hơn 2 km. (Xem chi tiết về phòng tại Cúc Phương Resort).
Đốt lửa trại Cúc Phương - iVIVU.com
– Bạn có thể nghỉ tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Vườn quốc gia Cúc Phương có ba khu vực lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí là: Khu cổng Vườn, Khu hồ Mạc và Khu Trung tâm. Mỗi khu có dịch vụ cho thuê các trang thiết bị phục vụ đi rừng, xe đạp địa hình, thuê phương tiện vận chuyển, giặt là. Dành cho khách tập thể có các khu vực để tổ chức lửa trại, biểu diễn văn nghệ dân tộc, bida, câu cá, trò chơi dân gian. Chỗ nghỉ ngơi có phòng nghỉ đủ tiện nghi và. Du khách có thể nghỉ chân tại các phòng nghỉ hiện đại, tiện nghi, vệ sinh khép kín hay nhà sàn tập thể, phòng nghỉ đơn giản.
Điểm tham quan
Mức phí vào cổng tham quan vườn quốc gia Cúc Phương hiện nay là 40.000 VND/người/lượt. Toàn bộ rừng Cúc Phương là một thế giới hoàn toàn khác biệt mà chắc chắn bạn không bao giờ hiểu hết được. Song có một số điểm tham quan thu hút du khách gồm:
1. Động Người Xưa và Cây Đăng cổ thụ
Động người xưa Cúc Phương - iVIVU.com
Động Người Xưa là di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử – một di sản quý của Cúc Phương. Từ đường ô tô dừng đỗ ta chỉ đi bộ khoảng 300 mét là đến nhưng cũng phải leo dăm chục bậc đá dốc ngược mới tới được cửa động.

Còn Cây Đăng cổ thụ là cây có hình thái đẹp, cao tới 45 mét, đường kính 5 mét, cỡ 8 người ôm. Từ cổng vườn theo đường ô tô vào trung tâm, qua Động Người Xưa chừng 2 ki-lô-mét sẽ gặp Cây Đăng cổ thụ ở phía bên trái đường. Dưới gốc Đăng, ai ai cũng trở nên thật nhỏ bé.
2. Cây Chò Xanh ngàn năm và Động Sơn Cung
Cây Chò ngàn năm Cúc Phương - iVIVU.com
Cây có hình thái đẹp cũng cao chừng 45 mét và có chu vi khoảng hai chục người ôm. Từ trung tâm vườn theo đường mòn đi chừng 3 ki-lô-mét là gặp Chò ngàn năm, đúng là một kỳ quan của tạo hóa. Cũng trên tuyến này trước khi gặp cây chò chỉ ngàn năm không xa bên tay phải có con đường lên núi, lên Động Sơn Cung, động có nhiều nhũ đá đẹp lung linh của Cúc Phương.

3. Cây Sấu cổ thụ và bản Mường
Dệt thổ cẩm ở bản Mường Cúc Phương - iVIVU.com
Tuyến đường đến điểm du lịch này khá mạo hiểm, dành cho ai mạnh mẽ vì nó là tuyến đi bộ xuyên rừng ngủ bản. Từ trung tâm Vườn đi bộ về phía Tây, vượt qua con đường bê tông dài chừng 3 km là tới Cây Sấu cổ thụ. Cây cao tới 45 mét, đường kính 1,50 mét. Cây có hình thái đẹp, du khách không khỏi sững sờ trước hệ thống bạnh vè cao và chạy dài như một bức tường thành. Từ Cây Sấu cổ thụ đi tiếp theo con đường mòn nhỏ chừng 13 ki-lô-mét xuyên rừng là ta tới được bản Mường. Bản Mường nằm bên dòng sông Bưởi thơ mộng với nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, những căn nhà sàn thấp lợp lá gồi hoặc cỏ gianh, những khung cửi dệt thổ cẩm sắc màu sặc sỡ.

4. Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương
Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương - iVIVU.com
Không chỉ là lơi bảo tồn và nghiên cứu khoa học, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương còn là nơi những người yêu thích thiên nhiên có thể quan sát các hoạt động, vẻ độc đáo của từng loài linh trưởng và thu thập các kiến thức bổ ích. Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương hiện nuôi dưỡng gần 160 cá thể của 15 loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam như vọc đầu trắng Cát Bà, voọc mông trắng, voọc chà vá, voọc ngũ sắc, vượn…

5. Đỉnh Mây Bạc
Đỉnh Mây Bạc Cúc Phương - iVIVU.com
Đứng trên đỉnh Mây Bạc cao 648 m, ta có thể thả tầm mắt bao quát toàn cảnh Vườn Quốc gia, trông thấy cố đô Hoa Lư với chùa Bái Đính nguy nga tráng lệ và ngắm nhìn trọn vẹn thắng cảnh Tràng An nằm ở phía bắc Ninh Bình. Nơi đây khí hậu luôn ở khoảng 23 độ C với lượng mưa hàng năm 1.800mm. Tuyến đường đến Đỉnh Mây Bạc dài và nhiều dốc đá (Đi bộ 6 km cả đi và về) vì vậy chỉ dành cho những người có sức khoẻ tốt, những người bị bệnh tim và một số bệnh đặc biệt khác không nên tham gia. Thời gian thực hiện tuyến này khoảng 4 tiếng (tính từ Trung tâm Vườn).

6. Hồ Yên Quang – động Phò Mã
Hồ Yên Quang - iVIVU.com
Từ cổng Vườn đi ngược trở ra đường Nho quan khoảng 7 km, đến cầu Tri phương rẽ về phía tây 30m là đến Hồ Yên quang. Từ hồ 3 leo qua Quèn lá rồi đi vào một thung đất tương đối bằng phẳng, rộng khoảng 100 ha đó là Thung lá. Vượt qua Thung lá, leo tới chân dẫy núi đã vôi là du khách tới Động Phò mã giáng.

Thăm động chúng ta không khỏi ngỡ ngàng đến mức ngây ngất bởi một công trình kiến trúc kỳ diệu của tạo hoá. Ngay phía ngoài cửa động có một nhũ đá giống hệt hình hài của một vị quan Phò mã, cũng mũ tai chuồn, cũng cân đai, áo thụng, cũng dáng dấp của một hoàng thân quốc thích đang ngồi trơ trơ giữa đất trời dãi dầu với vòng quay vĩnh cửu của thời gian. Bên trong động có nhiều buồng, mỗi buồng lại có cấu tạo lộng lẫy bởi hệ thống nhũ đá, uy nghi như những cung đình.
Chương trình tham quan tại rừng
Hiện nay, tại rừng cúc phương có tổ chức 2 tour tham quan quan dành cho du khách:
  • Đạp xe, chèo thuyền kayak và xem động vật hoang dã ban đêm – Thời gian: 2 ngày/1 đêm (Ăn trưa, tối và ngủ đêm tại Vườn quốc gia).
  • Cắm trại trong rừng, xem động vật hoang dã – Thời gian: 2 ngày/1 đêm (Ăn trưa, tối và nghỉ lại tại Vườn quốc gia).
Lưu ý
  • Bạn cần chuẩn bị những vật dụng sau khi tham quan Cúc Phương: Giày đi rừng, mũ, nước uống, thức ăn, băng gạc y tế, thuốc chống muỗi…
  • Đến rừng quốc gia, du khách cũng có thể thưởng thức món dê núi đặc sản của Ninh Bình và món ốc núi đặc biệt chỉ có ở đây. Các món ăn hấp dẫn khác gồm: gà vườn nướng, cá rô chiên ròn nhắp rượu gạo lúa nương Mường cay cay ngọt ngọt…
  • Nên mang theo ống nhòm để ngắm cảnh phía xa
  • Có một mẹo để tránh vắt chui vào người vào mùa mưa như sau: bạn mua thuốc DEP (loại chống ghẻ) rất phổ biến, ở dạng kem. Dùng DEP bôi vào các khu vực nhạy cảm như đầu, gáy, cổ áo, cổ tay, ống chân, xung quanh thắt lưng một vòng từ bụng ra sau lưng. Mùi khét của DEP làm cho muỗi vắt rừng đều sợ.

Nhà Hát Lớn (Hải Phòng)

Nhà hát Lớn Hải Phòng (tên gọi chính thức là Nhà hát Thành phố) là nơi tổ chức những hoạt động văn hóa, chính trị lớn của thành phố Hải Phòng.
Nhà hát được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên nền ngôi chợ cổ của làng An Biên bị thực dân Pháp giải tỏa năm 1900. Khu vực Nhà hát Lớn được coi là khu vực trung tâm cũ của thành phố Hải Phòng, là điểm tiếp nối của ba khu vực kiến trúc Pháp – Hoa- Việt trước đây. Xung quanh Nhà hát Lớn có nhiều vườn hoa và cơ sở thương mại.
Nhà hát được thiết kế phỏng theo kiến trúc của các nhà hát Pháp thời trung cổ, quá trình xây dựng kéo dài từ năm 1904 đến 1912 mới xong và toàn bộ nguyên vật liệu được chuyển từ Pháp sang. Cùng với Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Thành phố tại TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Lớn Hải Phòng là một trong số ít những nhà hát được Pháp xây dựng tại Việt Nam trong giai đoạn này. Hiện tại sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, cơ bản Nhà hát Lớn vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.

Photobucket
Photobucket
Photobucket
Photobucket
Photobucket
Photobucket
Photobucket
Photobucket
Photobucket
Photobucket

Photobucket

Chợ Sắt (Hải Phòng)

Chợ Sắt nằm ở quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Chợ nằm ven sông Tam Bạc, vốn là tuyến đường thủy thông thương từ Hải Phòng đi các tỉnh.
Lịch Sử
Chợ được xây dựng ở khu phố nhượng địa từ cuối thế kỷ 19 dưới thời Pháp thuộc, khi đó gọi là chợ Lớn (Grande Marché). Chợ được xây dựng bằng vật liệu chủ yếu là sắt thép nên có tên gọi là chợ Sắt.
Nhờ địa thế thuận lợi bên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh nên dưới thời Pháp thuộc chợ Sắt từng là một chợ rất sầm uất, là đầu mối buôn bán chính từNam Định lên hoặc Quảng Yên xuống, tiếng tăm có thể sánh với chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Đông Ba (Huế), chợ Bến Thành (Sài Gòn).

Đến thời bao cấp, đây vẫn còn là một trong những trung tâm buôn bán lớn nhất tại miền Bắc. Vào thời kỳ đó, những người buôn bán trong chợ Sắt được coi là lớp người giàu có và thành đạt về kinh tế của Hải Phòng. Chợ Sắt Hải Phòng là nơi buôn bán hưng vượng, là đầu mối bán sỉ để từ đây, nhiều mặt hàng tỏa đi khắp cả nước. Bất cứ ai đặt chân đến Hải Phòng cũng tranh thủ làm một vòng dạo qua chợ Sắt, không mua gì thì cũng đi ngắm cho mãn nhãn. Chợ Sắt trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của đất Cảng.
Sau sự cố cháy năm 1985 cùng tác động của với cơ chế mới thời mở cửa, ý tưởng đầu tư xây dựng mới chợ Sắt đã nhanh chóng hấp dẫn các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Năm 1992, một dự án trị giá 15 triệu USD do Công ty Liên danh hữu hạn Hải Thành làm chủ đầu tư được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Chợ cũ được phá đi và liên doanh xây lại với 2.000 gian hàng có tổng diện tích sử dụng gần 40.000 m² trên diện tích khuôn viên 13.000 m².
Sau 2 năm xây dựng, giai đoạn một với nguyên đơn thứ nhất gồm một nửa toà nhà 6 tầng trên diện tích 5.000m² đã được đưa vào sử dụng. Đây là sự kiện từng là mối quan tâm hàng đầu của giới tiểu thương rất có thế lực về tài chính tại Hải Phòng. Thời điểm ấy, để có một gian hàng trong chợ Sắt mới, hộ kinh doanh phải bỏ ra ít nhất 50-60 triệu đồng để thuê quầy. Không ít người đã phải vất vả đôn đáo ngược xuôi, cầm cố tài sản
Hiện tại
Kể từ khi được xây dựng mới, chợ ngày càng vắng khách khiến cho các gian hàng phải đóng cửa do kinh doanh thua lỗ, tổng số quầy đang còn hoạt động kinh doanh tại đây chỉ khoảng 100 hộ [2]. Nhiều hộ kinh doanh trong chợ Sắt trước đây giờ chuyển ra kinh doanh ở những dãy phố lân cận hoặc qua chợ Đổ (chợ Tam Bạc). Dân Hải Phòng cũng như khách thập phương cũng mất dần thói quen mua sắm ở chợ Sắt.
Sau thất bại của việc xây dựng và kinh doanh chợ giai đoạn I, một nửa diện tích còn lại đã được chuyển quyền đầu tư cho một đối tác khác là Công ty Liên danh hữu hạn Trường Thành (cũng Trung Quốc) vào năm 1997 với giá trị dự án 15 triệu USD. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của dự án nhằm hoàn hiện thiết kế hình tròn của chợ chưa bao giờ được nhắc đến. Chợ Sắt vẫn chỉ là một nửa bán nguyệt như chiếc bánh gato cắt dở, phần còn lại được tận dụng làm khu nhà kho cho doanh nghiệp thuê. Một phần của khu đất dành cho giai đoạn 2 được mở siêu thị (Ánh Dương 2), tuy nhiên siêu thị này cũng đóng cửa sau một thời gian ngắn, khu này liên tục đổi chủ và hiện tại được chuyển thành quán ăn. Phần còn lại của khu đất này là những quầy hàng tạo thành một chuỗi liên tục với chợ Đổ. Năm 2011 những gian hàng tạm này được dẹp bỏ để xây dựng tòa nhà 2 tầng nhằm thay thế, tuy nhiên tòa nhà này ngay sau đó cũng lâm vào cảnh đìu hiu không có người thuê.
Hiện tại tầng 1 chợ Sắt chủ yếu kinh doanh các thiết bị điện dân dụng, điện tử và đồ cũ và cũng chỉ có các gian hàng sát vỉa hè hoạt động là chủ yếu. Các tầng trên hầu như bỏ hoang.

Tượng đài Nữ Tướng Lê Chân (Hải Phòng)

Lê Chân là một tướng tài của Hai Bà Trưng, được tấn phong là Thánh Chân công chúa. Bà còn được xem là người có công khai khẩn lập nên vùng đất mà ngày nay là thành thành phố Hải Phòng.
Thuở con gái, bà được tiếng là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú. Thái thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp. Bị khước từ, Tô Định căm giận, bức hại gia đình bà. Thù nhà, nợ nước, Lê Chân ngầm đem một số người nhà, người làng đến vùng biển An Dương lập trại phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. 

Để vơi đi nỗi nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sỹ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận.
Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân cùng nghĩa quân ở căn cứ An Biên đã gia nhập khởi nghĩa và đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Khởi nghĩa thành công, Lê Chân được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang phục thù, do tình thế bất lợi căn cứ bị vỡ, Hai Bà Trưng tử trận, Lê Chân đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn, thuộc Hà Nam ngày nay nhằm khôi phục cơ đồ. Một lần nữa, Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng Nữ tướng Lê Chân trầm mình xuống sông để bảo toàn danh tiết.
Sau khi bà tuẫn tiết, nhân dân An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân ngày nay) dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ (khu vực đền Nghè bây giờ). Đến đời vua thời Trần Anh Tông, bà được phong là Thành hoàng xã An Biên huyện An Dương. Hàng năm, cứ đến ngày sinh mồng 8 tháng 2, ngày hóa 25 tháng chạp, ngày khánh hạ 15 tháng 8, nhân dân An Biên nô nức đến đền Nghè cùng dân lễ tưởng niệm vị nữ tướng.
Hải Phòng có một quận nội thành mang tên Bà: Quận Lê Chân.
Tượng Nữ tướng Lê Chân tọa lạc tại vườn hoa trung tâm là một biểu tượng của thành phố Hải Phòng, được khởi công xây dựng ngày 30/11/1999, khánh thành ngày 31/12/2000, tượng đúc bằng đồng, cao 7,5m - nặng 19 tấn.
Ngày 8/3/ 2007, Hội LHPN thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm 97 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, 1967 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã trao Giải thưởng Lê Chân lần thứ nhất tôn vinh những gương mặt phụ nữ xuất sắc và được trao hàng năm vào dịp Quốc tế phụ nữ 8/3.

Sân Golf Ngôi Sao Chí Linh (Hải Dương)

Sân Golf Ngôi sao Chí Linh: Sân golf Ngôi sao Chí Linh được mệnh danh là "sân golf thách thức nhất Việt Nam" và các tay golf chuyên nghiệp khó thể bỏ qua địa điểm thi đấu thú vị này.Giới thiệu về Sân Golf Ngôi sao Chí Linh nằm tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, Hải Dương, cách Hà Nội 48km, trên đường tới vịnh Hạ Long.
Sân golf Chí Linh nằm ngay trên vị trí trung tâm tam giác phát triển kinh tế du lịch phía Bắc và được đánh giá là một sân golf hàng đầu, không chỉ tại Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á.
Ấn tượng đầu tiên về sân golf Chí Linh là sân rộng, diện tích 325 ha trong lòng một thung lũng tuyệt đẹp với một hồ nước tự nhiên nép mình bên những dải đồi xanh hùng vĩ bao quanh. Sân golf Ngôi Sao Chí Linh được xây dựng 36 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế AAA. Những thảm cỏ xanh được chăm sóc, xén tỉa mỗi ngày, những con đường nhỏ uốn mình vòng quanh mép hồ, các rặng cây, các dốc thoải ven đồi, là điểm dừng chân với những quán nhỏ đơn sơ nép mình trong tán cây thơ mộng...
Ẩn hiện trong khung cảnh thơ mộng ấy là 36 hố golf được bố trí khoa học với các bẫy cát kín đáo sẵn sàng "bẫy" ngay cả các tay golf chuyên nghiệp. Điểm cao nhất của sân golf Ngôi sao Chí Linh chính là nhà Câu lạc bộ. Tòa nhà tròn với thiết kế độc đáo, toàn bộ hệ thống cửa và tường bao được xây dựng bằng kính trong suốt cho phép du khách và khán giả có thể chiêm ngưỡng phần lớn diện tích sân với 28/36 hố golf.

Các lỗ golf được thiết kế rất thách thức, dựa vào địa hình đồi núi sẵn có của Chí Linh. Tay chơi golf nào thực sự có nghề và có bản lĩnh đều không muốn bỏ qua cơ hội thử sức ở đây bởi giải “Sân golf Thách thức nhất Việt Nam 2007” đã dành cho sân golf Chí Linh.

Địa chỉ liên hệ sân golf Chí Linh

Khách hàng chơi golf có thể liên hệ qua địa chỉ sau:

Quản lý chung: Mr. Bradley Leahey - Email: bradley@chilinhstargolf.com.vn

Giám đốc điều hành: Mr. Ben Styles - Email: pro@chilinhstargolf.com.vn

Văn phòng đại diện: DAEHA Office Tower, 507 - 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội - Tel: 84-4 771 9006, Fax: 84-4 771 9007

Địa chỉ sân: Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương - Tel: 84-320-3585617 - Fax: 84-320-3585618

Và đây là một số hình ảnh của sân:
Địa chỉ: Sao Đỏ Thái Học Thị Xã Chí Linh, Hải Dương


Điện thoại: + 84 (320) 358 5617

Web: http://www.chilinhstargolf.com.vn




Đảo Cò Chi Lăng Nam (Hải Dương)

Khu danh thắng và Di tích Đào Cò, xã Chi Lăng Nam thuộc vùng hồ An Dương và hồ Triều Dương phía Bắc giáp xã Chi Lăng Bắc, phía Nam giáp xã Thanh Giang và Diên Hồng, phía Đông giáp khu dân cư xã Chi Lăng Nam, phía Tây giáp xã Nhật Quang, Tống Phan và xã Quang Hưng, huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên. Là khu du lịch sinh thái nổi tiếng với đàn cò lên đến hàng vạn con bay lượn trắng toát một vùng trời.
Vào đầu thế kỷ 18, thiên tai, bão lũ gây ra, nên trong 3 năm, khu vực hồ An Dương vốn là một vùng đồng chiêm trũng bị vỡ đê liên tục, để lại lòng hồ rất sâu, khoảng 17-18 mét (với mực nước như bây giờ). 
Vùng đất nhô cao giữa mặt nước bao la hình thành nên 3 đảo. Đảo phía Đông là đảo lớn nhất, có diện tích hơn 8.000m2, đảo giữa có diện tích trên 3.000m2 và đảo còn lại là khoảng 7.000m2. Đảo cò là “ngôi nhà chung” của nhiều loài cò, vạc, chim nước . Hiện nay, Đảo Cò Chi Lăng Nam có khoảng 16.000 con cò và 6.000 con vạc sinh sống. Đảo Cò là nơi cư trú của 6 loài cò khác nhau như cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ghềnh, cò diệc và cò ruồi, trong đó đông nhất là cò ruồi. Tiếng là Đảo Cò song đây còn là nơi trú ngụ của loài vạc xám, vạc lưng xanh, vạc sao, cùng nhiều loài chim khác như diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo...
 
 
Khu danh lam thắng cảnh Đảo Cò Chi Lăng Nam nằm trên 2 thôn: An Dương và Triều Dương, có diện tích trên 67 héc ta. Hồ An Dương có diện tích mặt nước 90.377,5m2; hồ Triều Dương có diện tích mặt nước 43.890m2. Kênh nối giữa hồ An Dương và hồ Triều Dương dài 800m, chiều rộng trung bình là 8m, nơi hẹp nhất 4,5m. Mặt hồ An Dương rộng, nước xanh ngắt; lòng hồ có nơi sâu nhất đến 18m. Người dân địa phương cho biết chỗ sâu nhất ước chừng 40 sải tay người lớn (mỗi sải tay khoảng 1,6 - 1,7m. Đảo Cò, tâm điểm của 2 hồ là 2 đảo nhỏ với tổng diện tích 7.324,2 m2 (nằm trong Hồ An Dương): 01 đảo cũ  với diện tích 2,8 ha; một đảo mới hình thành từ khi di chuyển 7 hộ dân năm 2007 với diện tích 3,5 ha.
Năm 1995 - 1996, Trung tâm Tài nguyên Môi trường (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), kết hợp với Hội Môi trường tỉnh đã tổ chức điều tra và kết luận ở đây có 9 loại chim là Vạc, cò ruồi, có trắng, cò ngàng nhỡ, diệc xám, cò lửa, chim lặn, chim chả, bồng chanh, trong đó cò ruồi và vạc chiếm đa số và là loài chiếm ưu thế trên đảo, tuy nhiên lúc đó cò ruồi có khoảng 600 con, vạc có khoảng 200 con, hiện Đảo Cò có ít nhất là 34 loại chim, thuộc 10 bộ và 22  trong tổng số 828 loài chim đã thống kê được ở Việt Nam. Năm 2006, theo kết quả nghiên cứu của ông Ngô Xuân Tường - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: ở Đảo Cò Chi Lăng Nam có 24 loài, thuộc 15 họ, và 5 bộ. Chim có số lượng khá phong phú và đa dạng so với các vườn chim khác trong khu vực miền Bắc. Số lượng chim trên đảo lớn nhất vào tháng 12, trong đó số lượng khoảng 12.050 cá thể loài cò và 5.020 cá thể vạc. Tháng 4 và tháng 5 là thời gian quần thể chim trên đảo thấp nhất khoảng 8.000 cá thể. Đặc biệt có 6 loài làm tổ tập đoàn là cò trắng, cò bợ, cò ruồi, cò ngàng nhỏ, cò lửa và vạc.Các nhóm loài làm tổ hay không làm tổ, bay qua (ngủ lại) và thường gặp là các loài sống định cư chủ yếu với số lượng cá thể nhiều nhất tại Đảo Cò (đạt từ khoảng 12.000 đến 15 - 20.000 cá thể), gồm các loài Cò trắng nhỏ (Egretta garzetta) và Vạc (Nycticorax nycticorax), và kế tiếp là Cò bợ (Ardeola bacchus), Cò ruồi (Bubulcus ibis), và một số loài khác. Đây là các loài chim có đời sống liên quan mật thiết với môi trường nước (hay còn được gọi là các loài chim nước). Thường gặp chúng bay lượn và kiếm ăn theo đàn (từ vài chục đến hàng trăm ngàn cá thể), làm tổ tập đoàn trên cây (các loài cây giá thể ở Đảo Cò chủ yếu là tre gai, bạch đàn và keo hoa vàng).Các loài cò đi kiếm ăn vào ban ngày (từ sáng sớm đến chiều tối), Vạc kiếm ăn về ban đêm (từ lúc hoàng hôn đến sáng sớm hôm sau). Trong mùa sinh sản và nuôi con vào thời gian ban ngày mới có thể gặp chim bố mẹ lui tới trong khu vực làm tổ. Nơi kiếm ăn chủ yếu của các loài cò, vạc sinh sống và làm tổ trong Đảo Cò là các cách đồng lúa nước nằm cách xa Đảo Cò từ 1 đến 5 cây số.
Ngoài ra, trong Hồ An Dương với nguồn thủy sinh vật phong phú là môi trường sống lý tưởng của nhiều loài cá và thủy sinh vật, đặc biệt hồ có một số loài sinh vật có giá trị kinh tế cao như: rái cá, ba ba gai, cá ngạnh, cá viền, cá mòi, cá chuối hoa và cá măng kìm... thậm chí còn có loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: tổ đỉa, rái cá. Thảm thực vật quanh hồ chủ yếu là những cây bóng mát và làm nơi đỗ của cò như tre gai, chuối, nhãn, vải…Đặc biệt, hệ sinh thái phong phú này vẫn đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn trong suốt thời gian qua, tạo giá trị cảnh quan, môi trường đẹp đẽ, xanh tươi thích hợp cho nghiên cứu và du lịch sinh thái.Chính vì vậy, từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Hải Dương, đã thu hút sự chú ý bởi đông đảo du khách trong nước và quốc tế, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái tại quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 06/01/2009, với tổng diện tích quy hoạch là 67,1 ha.
Hàng năm khu du lịch Đảo Cò thu hút trên 100 nghìn lượt du khách đến tham quan, sưu tầm tư liệu, hình ảnh sinh động của Đảo Cò để bổ trợ cho học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở các cấp, bậc học trong nước và quốc tế.  Nhiều nhà khoa học nhận định giá trị sinh thái của Đảo Cò, đã khẳng định đây là khu dự trữ thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học lớn và được bảo tồn gần như nguyên vẹn duy nhất ở miền Bắc. Nhiều địa điểm khác cũng có cò về sinh sống, nhưng việc bảo tồn luôn gặp rất nhiều khó khăn; ngược lại, Đảo Cò Chi Lăng Nam lại được người dân nơi đây tự nguyện bảo vệ nghiêm ngặt. Nhờ đó, hệ sinh thái quanh hồ luôn được giữ ở mức độ ổn định, tạo điều kiện cho các loài sinh vật tiếp tục kéo nhau về làm tổ, bổ sung thêm mức độ đa dạng sinh học vốn đã rất phong phú. Giá trị sinh học của Đảo Cò không chỉ nằm ở những sản phẩm khai thác được như trứng, cá, thịt, các loại rau…mà chủ yếu ở cảnh quan, môi trường, tái tạo và bảo vệ đất, nguồn nước, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.
Ngày 8/7/2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 2104/QĐ - BVHTTDL công nhận di tích quốc gia đối với danh lam thắng cảnh Đảo Cò. Qua đó nhằm mục đích phát huy giá trị di sản văn hoá vì lợi ích của cộng đồng và toàn thể xã hội, góp phần quan trọng cho sự phát triển ngành du lịch của huyện Thanh Miện nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung.
Sáng ngày 16/11/2014, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Đảo Cò thuộc xã Chi Lăng Nam.
Hải Ninh

Chùa Côn Sơn (Hải Dương)


Chùa cổ Côn Sơn nằm trên núi Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng quốc gia đợt I năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng vào năm 1994.

Chùa Côn Sơn còn có tên gọi là Thiên Tư Phúc tự hay chùa Hun, được xây dựng từ thế kỷ X và hoàn thiện vào thế kỷ thứ XIV. Chùa Côn Sơn trở thành một trong 3 trung tâm nổi tiếng của dòng Phật giáo Trúc Lâm, nơi 3 vị tổ của trường phái Thiền Phái Trúc Lâm gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Trang đã tu hành và thuyết pháp tại đây.



Chùa Côn Sơn xưa là một công trình kiến trúc hoàn thiện, có 385 pho tượng.

Tương truyền ở ban thờ đầu hồi phía Đông nhà Tổ có 2 pho tượng nhỏ ngồi xếp bằng, một đàn ông, một đàn bà hướng về bàn thờ Phật. Tăng ni tu ở chùa Côn sơn không biết hai pho tượng đó là ai và có tự bao giờ. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, sợ giặc đến chùa tàn phá, các tăng ni Phật tử dã đem đồ thờ và các pho tượng nhỏ cất giấu ở trong núi.



Vào một đêm mưa gió sấm sét to, sư ông trụ trì chùa ngủ không yên, đợi sáng hôm sau trời tạnh vào thăm lại bức tượng. Sư ông vào xem và thấy hai pho tượng trên đắp bằng đất bị mưa làm vỡ, lộ hai dải yểm tâm mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Phía sau chùa Côn Sơn là khu mộ tháp. Đăng Minh bảo tháp được dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, trong đặt xá lợi và tượng Thiền sư Huyền Quang.



Nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, dưới chân Đăng Minh bảo tháp là Giếng Ngọc. Người xưa cho rằng Giếng Ngọc chính là mắt của con Kỳ Lân. Giếng Ngọc cũng có thời gian bị cỏ cây che lấp. Năm 1995, ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã cho khơi lại, kè đá, xây bờ, lát sân để phục vụ cho du khách về tham quan Côn Sơn lại được tận hưởng nước giếng thiêng.

Tại Bàn Cờ Tiên trên đỉnh núi Côn Sơn, nơi đây ngày xưa có một am nhỏ hình chữ Công (I), tám mái chảy, có lan can xung quanh. Am này có tên là Am Bạch Vân.



Chùa Côn Sơn đã chứng kiến một chặng đường đời và bi kịch của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn và sống cuộc dời ẩn dật. Cảnh đẹp Côn Sơn đã gợi nên cảm hứng để Nguyễn Trãi sáng tác nhiều bài thơ trong Quốc Âm thi tập:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.



Trải qua thăng trầm lịch sử , ngày nay chùa Côn Sơn vẫn còn giữ dấu tích của kiến trúc thế kỷ XIV-XIX, vẫn tầng tầng lớp lớp theo lối cung đình: Hồ Bán nguyệt, tam quan, lầu chuông, vườn tháp, giếng Ngọc, am Bạch Vân, miếu thờ “Tứ độc Sơn Xuyên” (trời đất sông núi) trên Ngũ Nhạc linh từ.

Những cây đại, cây thông cổ thụ trong khuôn viên chùa cũng như rừng thông xung quanh càng tăng vẻ đẹp cổ kính pha chút u tịch cho ngôi chùa.



Hệ thống tượng thờ ở chùa khá phong phú, thể hiện thế giới Phật giáo thu nhỏ với ý nghĩa triết lý nhân sinh, giáo dục hướng thiện khai tâm cho chúng sinh. Hiện nay, chùa Côn Sơn còn lưu giữ hệ thống giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như hệ thống văn bia từ thế kỷ XIV tới thế kỷ XVIII, đặc biệt là tấm bia Thanh Hư Động tạo thời Long Khánh (1373-1377) là bút tích của vua Trần Nghệ Tông; tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” (1607), ngói mũi hài, chân đá tảng chạm cánh sen đời Trần.

Hàng năm, lễ hội mùa xuân của chùa Côn Sơn diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống như lễ khai hội, lễ cúng đàn Mông Sơn, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước cùng nhiều trò chơi dân gian như đu tiên, chọi gà, cờ người, đấu vật…

Ngoài chùa Côn Sơn, du khách còn có cơ hội tham quan các khu di tích khác như khu di tích Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi trong quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam.

Trải qua hơn nghìn năm tồn tại và phát triển, ngày nay, nhân dân trong và ngoài nước vẫn về với Côn Sơn trẩy hội, chiêm bái các vị danh nhân và tìm về chốn thanh tịnh, hướng thiện. Về với chùa Côn Sơn là về với điểm du lịch tâm linh hướng về nguồn cội đất nước.

Du lịch, GO! tổng hợp

Bài đăng phổ biến