Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Phố Núi Pleiku (Gia Lai)


Nằm trên độ cao trung bình 300 - 500m, quanh năm sương mù bao phủ, thành phố cao nguyên Pleiku (tỉnh Gia Lai) từ lâu được biết đến với tên gọi đặc trưng “phố núi Pleiku”.

< Phố núi Pleiku mến khách và thân thiện ngay ở cửa ngõ của thành phố với cổng chào.

Đến với Pleiku, du khách như được trở về với thiên nhiên còn khá hoang sơ, được hít khí trời mát lạnh và cảm nhận trong gió thoang thoảng mùi hương của những nhánh lan rừng và hoa cà phê.



< Trục quốc lộ 19 đi qua phố núi Pleiku là trục giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ.

Cảm giác được thưởng thức một tách cà phê hay tô phở khô trong không khí se lạnh của phố núi Pleiku luôn mang lại những cảm xúc thú vị cho du khách khi khám phá vùng đất này. Có những ngày tiết trời ở phố núi Pleiku có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông hội tụ...



< Sân bay Cù Hanh nằm không xa trung tâm thành phố với thời lượng các chuyến bay từ 8 đến 13 chuyến trong tuần.

Sáng sớm trời se se lạnh, buổi trưa, không khí trở nên oi bức như mùa hè. Khi chiều vừa tắt nắng đã có những cơn gió thoang thoảng của mùa thu làm dịu mát cái nắng gắt mùa hè. Và khi màn đêm xuống nghĩa là đông đã về.



< Phố núi Pleiku về đêm lung linh, yên bình và gần gũi.

Trong cái lạnh của phố núi cao nguyên, du khách sẽ có cảm nhận về một bầu không khí trong lành và sự bình yên của cuộc sống nơi đây. Không gian, cảnh quan với đường phố là những triền dốc uốn quanh mang đặc trưng phố núi tạo một cảm giác khác biệt dễ khiến con người ta xua tan những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật.



< Những con đường dốc mang đặc trưng địa hình của phố núi Pleiku.

Thăm phố núi Pleiku, không thể không nhắc đến vẻ trong trẻo, tĩnh lặng của “đôi mắt Pleiku” Biển Hồ đầy vốn đã đi vào thi ca, huyền thoại. Từ trên cao, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm phong cảnh thơ mộng của hồ Biển Hồ được ví như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên. Mặt nước hồ xanh biếc, phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ trên cao nguyên cho mây trời soi bóng.



< Tượng đài Bác Hồ nổi bật giữa quảng trường Đại Đoàn Kết.

Du khách cũng không thể bỏ qua địa điểm được ví như một bảo tàng văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên là công viên Đồng Xanh. Công viên rộng 14ha này trải dài trên một cù lao xanh trên cánh đồng lúa An Phú, ngoại ô thành phố Pleiku.



< Tháp đá ở quảng trường Đại Đoàn Kết, biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tại đây có đầy đủ nhà rông, nhà dài, nhà mồ, tượng mồ, đàn T'rưng nước... thể hiện qua các truyền thuyết, hoa văn, hoạ tiết được tổng hợp và cách điệu bằng biểu tượng đài cảnh Tây Nguyên, qua tiếng nhạc của buôn làng, cối giã gạo, cồng chiêng.

Ở ngay trung tâm phố núi thì có Bảo tàng Gia Lai, nơi trưng bày các hiện vật về lịch sử - văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tất cả đều mang đậm bản sắc trong không gian văn hóa Tây Nguyên.



< Bảo tàng Gia Lai ở Pleiku là bảo tàng lịch sử - văn hóa lớn nhất các tỉnh Tây Nguyên.

Chiều về trên phố núi Pleiku, du khách cũng có thể cùng người dân phố núi dạo chơi trên quảng trường Đại Đoàn Kết, một quảng trường rộng 12ha được xây dựng với mục đích phục vụ nhân dân phố núi. Giữa khuôn viên mênh mông của quảng trường Đại Đoàn Kết, tượng đài Bác Hồ hiện lên với dáng vẻ uy nghi nhưng thật dung dị, tay phải giơ cao trong tư thế vẫy chào.



< Một góc cà phê phố núi Pleiku.

Tượng đài làm bằng đồng nguyên chất, lớn nhất Việt Nam với chiều cao 10,8m đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh cao 4,5m. Phía sau tượng đài Bác là dãy phù điêu bằng đá uốn cong như vòng xoan Tây Nguyên bất tận với những hình ảnh được chạm khắc tinh tế về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào nơi đây, tạo sự gần gũi, thân thương của vị Cha già dân tộc với con cháu các dân tộc Tây Nguyên.



< Khung cảnh đậm chất Tây Nguyên trong khu du lịch Đồng Xanh.

Cách đó không xa, giữa các loại cây xanh trong khuôn viên quảng trường là một cụm 54 khối đá bazan hình trụ tạo thành Tháp đá 3 lớp cao dần lên, gắn liền với 54 thảm cỏ xanh, biểu thị sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…

Để đến phố núi Pleiku, du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường hàng không. Sân bay Cù Hanh (hiện nay là cụm cảng hàng không Pleiku) chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 5km, cung cấp từ 8-13 chuyến từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đi Pleiku và ngược lại mỗi tuần.

Theo Nguyễn Vũ Thành Đạt - Nguyễn Luân (Báo Ảnh Việt Nam)
Du lịch, GO!

Biển Hồ (Gia Lai)


Thường thì cuộc hành trình du lịch từ Pleiku lên KonTum, những đoàn khách đều dừng lại ở hồ T’Nưng. Đây là một thắng cảnh lộng lẫy và càng quyến rũ hơn khi bạn chạm chân đến nơi này vào buổi sáng, khi mặt trời còn chưa lên cao, trong cái lạnh của cao nguyên, khi đó mặt hồ dờn dợn màu bạc của ánh nắng  ban mai phản chiếu xuống giống như bạn đang lạc vào một nơi chốn yên bình.

Hồ T’Nưng (T'Nưng, có nghĩa là "biển trên núi") hay còn gọi là hồ Ia Nueng nằm ở phía Bắc Gia Lai, cách Trung tâm Thành phố Pleiku khoảng 7km, thuộc xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Mọi người gọi tên quen thuộc là Biển Hồ vì diện tích hồ rất rộng tới 230 hecta nằm bao quanh những rừng thông và núi, vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400 hecta nên khám phá hồ là một điều thú vị.



Độ sâu của lòng hồ cũng đầy hấp dẫn vì có nơi lên tới 30 mét, đến nổi có lời đồn đại là dưới lòng hồ nước chảy ra tới biển Đông. Để đi hết hồ là một kỳ công và mất nhất nhiều ngày.

Ngày 16/11/1988, Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích danh thắng, tuy nhiên cho đến thời điểm này, nơi đây vẫn là một thắng cảnh chưa được khai thác. Nhưng chính vẻ hoang sơ đến lạ ấy lại càng quyến rũ người tò mò tìm đến.



T’ Nưng là tên một Buôn làng. Câu chuyện lồng vào  trong cuộc hành trình  càng gợi cảm cho du khách đến. Đó là ngày xưa tại đây có một làng tên T’ Nưng, con gái và con trai trong làng đều xinh đẹp, sống chung  với nhau rất vui vẻ. Thế rồi một ngày nọ trời đất chuyển mình, mấy mưa dữ dội. Từ dưới lòng đất ngọn lửa phun lên ào ạt, trong phút chốc ngọn lửa ập xuống xóa tan đi làng. Sau khi lửa tắt, ngôi làng chỉ còn là một hố sâu thăm thẳm. Những người của làng T’Nưng còn sống đã  đứng trên hố sâu ấy mà khóc, nước mắt họ đã đầy hố sâu ấy thành hồ T’ Nưng.



Con đường rẽ vào hồ T’Nưng điểm xuyết bởi hai hàng thông ba lá, tảo bóng mát cả ngày. Con đường chùng xuống, quanh co thơm mùi nhựa thông, mát mẻ kể cả khi nắng lên.  Một căn nhà kiên cố ngay mũi  đất nhô ra hồ. Chưa vội lên trên để ngắm nhìn, có thể nhón chân giữa cỏ cây bên dưới ấy mà chụp ảnh hoặc ngắm nhìn hồ. Rừng nối rừng với một màu xanh ẩn khuất, mặt hồ long lanh trong ánh nắng khiến cho lòng dấy lên một cảm giác khó tả. Còn trên ngôi nhà cao để ngắm nhìn một góc hồ, ta có thể nhìn thấy bao quát  mặt hồ với nhiều tầm nhìn khác nhau.



Nhưng dừng chân, ngắm nhìn thoáng qua thật ra chỉ mới thấy vẻ đẹp bên ngoài. Những cuộc hành trình mang tính mạo hiểm, để làm cho khách có một cảm giác khác là điều mà nhiều  nhóm Hướng dẫn viên đã tổ chức. Bạn có thể lên một chiếc thuyền độc mộc (loại thuyền làm bằng nguyên một thân cây cổ thụ) để   đi trên mặt hồ. Chuyến đi sẽ len lách vào trong rừng, khám phá sự kỳ vĩ của núi chen rừng, gặp rất nhiều loại chim trời tự nhiên sinh sống bao quanh có thể kể ra đây: sin sịt, bói cá, cuốc đen, kơ túc, kơ vông, le le, ngỗng trời, đ’rao, trắc la… bay lượn mà chẳng hề sợ sệt con người. Chen ở những ngõ ngách của hồ chính là  những vạt hoa súng, hoa sen như điểm xuyết cho không gian sự  sinh động.



Chưa hết, chỉ cần một chiếc cần câu mang theo, thả xuống hồ là có thể dễ dàng câu những con cá. Ở hồ có cá chép, cá trôi, cá đa, cá trắm… và không hiếm những con rùa, con ba ba sống ở đây cả trăm năm thỉnh  thoảng trồi lên mặt hồ tò mò ngắm nhìn cuộc sống.

Đi sâu vào bên trong, có thể gặp khuất sâu trong ấy là những buôn làng người dân tộc Ba Na, Gia Rai… Những buôn làng đẫm chất Tây Nguyên ấy sống dựa vào nguồn lợi của  hồ T’ Nưng, và rất hiếu khách. Nếu thích, bạn có thể ở lại trong  đêm, đốt lửa trại và thưởng thức chính những con cá mà bạn đánh bắt được từ hồ T’Nưng kia nướng trên lửa than cùng với rượu Cần.



Còn nếu không làm một cuộc rong chơi ấy. Bạn cứ bước chân theo những bậc cấp lên tận căn nhà xây kiên cố dành để cho khách tham quan. Tại đây có thể phóng tầm mắt nhìn T’Nưng rộng thênh thang trong nắng ngập tàn. Tại đây, có thể nhìn thấy những con thuyền đang ở lòng hồ, và cả những bầy chim trời nhốn nháo bay qua.

Từ Trung tâm Thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai đi về hướng KomTum khoảng 7 km, gặp ngã ba (Quốc lộ 14) thì rẽ về bên phải khoảng 1 km là gặp Biển Hồ, bạn rẽ về trái đi sâu xuống thêm 500 mét, vượt qua một rừng thông, con đường dốc khá nguy hiểm. Hiện tại ở đây chỉ bán vé giữ xe và các dịch vụ giải khát đơn giản, nếu có nhu cầu đăng ký tour tuyến vẫn có thể đăng ký tại đây để đi thuyền.

Theo Khuê Việt Trường (Tạp Chí Du Lịch)
Du lịch, GO!

Đèo Lò Xo (Gia Lai)


Đèo Lò Xo dài 20km thuộc địa phận làng Măng Khen, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Đèo nằm trên tuyến đường quốc lộ 14 (HCM) từ Quảng Nam đi Kontum. Phía bắc đèo Lò Xo là thị trấn Khâm Đức (thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam), qua đèo Lò Xo sẽ vào địa phận các tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk.

Trong lịch sử, đèo Lò Xo là căn cứ chiến lược quan trọng của quân và dân ta, điểm trung chuyển lương thực, vũ khí phục vụ cho chiến trường miền Nam - Tây Nguyên. Trong chiến tranh chống Pháp, đèo Lò Xo từng nổi tiếng bởi nhà tù Đăklei (nơi từng giam giữ nhà thơ Tố Hữu) và những người tù chính trị vượt ngục. Nhưng nổi tiếng hơn cả là những câu chuyện đường rừng với voi đi cả đàn, hổ báo chạy thậm thịch ngày đêm.



< Đường Hồ Chí Minh uốn lượn trong sương mù trên đỉnh đèo Lò Xo (huyện Đắk Glei).

Đến thời kháng chiến chống Mỹ, đèo Lò Xo là trọng điểm vô cùng ác liệt. Tại đây, địa hình hiểm trở, đường đèo dốc quanh co uốn lượn trên các ngọn núi, không có ngày nào máy bay Mỹ không đánh phá hòng cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam.

Cũng vì sự ác liệt của đạn bom, sự thương vong quá lớn của các đơn vị quân đội và thanh niên xung phong mà đèo Lò Xo được mệnh danh là “cối xay thịt”. Những địa danh Asò, P’rao, P’Giằng, Khâm Đức (Quảng Nam), Đăk Glei, Đăk Tô (Kon Tum) được biết đến như những “tọa độ chết” bởi gần 4 triệu tấn bom đạn Mỹ từng đã thả xuống đây.



< Thác nước trước khi đến đèo, cầu vượt thác nên cũng mang tên 'Cầu Thác Nước'.

Khi hòa bình lập lại, nhận thấy vị trí quan trọng nên nhà nước đã đầu tư xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh (QL14) một cách bài bản, hoành tráng và trở thành tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế miền Trung – Tây Nguyên mà trong đó có đèo Lò Xo cũng là điểm phân ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Ngoài ra, đèo Lò Xo còn là điểm giao thoa giữa hai vùng khí hậu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn nên lúc nào cũng có mưa hoặc sương mù ẩm ướt quanh năm.



Đường Hồ Chí Minh từ Khâm Đức sang Đăk Glei qua đèo Lò Xo hôm nay không còn khó khăn như trước, không còn đá hộc hay cỏ cây um tùm nhưng con đèo vẫn đúng như tên gọi. Dù đèo vẫn ngoằn ngoèo cong như cánh cung, thoắt ngoặt gấp khúc tay áo, quanh co xoắn như lò xo lướt qua chân dãy núi Ngọc Linh, xuyên qua vườn quốc gia Ngọc Linh hùng vĩ với xung quanh là rừng già thâm u.

Đèo Lò Xo không quá dốc nhưng có những khúc cua rất nguy hiểm vì rào chắn thấp và vực sâu, đây cũng là nguyên nhân của nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra trên đoạn đèo này. May mắn là ngày nay, đèo đã được xây dựng 2 đường lánh nạn, trong đó có đoạn lánh nạn tại Km 1411. Nhiều tường hộ lan 2 tầng được hoàn thành, góp phần hạn chế tai nạn giao thông ở khu vực này.



Cảm giác khi vượt đèo Lò Xo bằng xe đạp...

< Đồi núi chập chùng nhìn từ đèo Lò Xo.

Nếu ai đã nghĩ đèo Hải Vân nối liền giữa Đà Nẵng – Huế là con đèo hiểm trở và quanh co nhất thì hãy biết rằng nó chỉ bằng một phần của đèo Lò Xo ở Kontum. Chúng tôi đã có cơ hội tận mục sở thị nó, cũng thật không thể tin nổi khi chính chúng tôi đã chinh phục nó một cách ngoạn mục. Những ai ở ngoài cuộc khó có thể hình dung nổi sự hùng vĩ của đèo Lò Xo cũng như trải nghiệm cảm giác chinh phục nó bằng xe đạp như thế nào.



Cảnh vật xung quanh làm ta có cảm giác nơi đây cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, sóng điện thoại mất, rừng cây u ám, núi cao rồi lại núi cao chập chùng, địa hình bị chia cắt rất mạnh. Những con dốc dài và thoải, con dốc nào ngắn nhất cũng khoảng 300m, chủ yếu là 700 – 800m và cao 10%, vô cùng quanh co. Thả dốc mà cảm giác cứ như ngàn cân treo sợi tóc, mới nhìn thôi mà vía đã mất tăm mất tích. Cứ vừa phá sức lên một con dốc, rồi lao như tên bắn xuống con dốc khác lại xuất hiện, chúng cứ nối tiếp hiện ra, dốc nối tiếp dốc tưởng chừng như bất tận.


< Hoàng hôn trên đèo Lò Xo.

Đèo Lò Xo hun hút và thăm thẳm, nhìn rồi hình dung nó như một con rắn hổ mang khổng lồ đang oằn lưng qua khắp các triền núi ở Kontum với độ dài hàng chục cây số. Thật không thể đếm hết có bao nhiêu con dốc, bao nhiêu khúc cua mà chỉ ấn tượng quan cảnh tại đây tuyệt đẹp khó diễn tả hết được...

Du lịch, GO! tổng hợp, ảnh internet

Vườn Quốc Gia Kong Ka King (Gia Lai)


Vườn Quốc gia Kông Ka King nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km về phía Đông Bắc, phạm vi ranh giới hành chính phân bố ở các huyện: Kbang, Đak Đoa, Mang Yang.

Đây là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku 1.748 mét, với diện tích 42.057,3 ha. Trong đó khoanh vùng du lịch 1.000 ha. Với các chức năng, nhiệm vụ chính của Vườn là bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái, bảo vệ khu vực đầu nguồn sông Ba, sông Đak Pne, phục vụ nghiên cứu và học tập… đặc biệt là phát triển loại hình du lịch sinh thái đang ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh.



Chúng tôi đến với Vườn Quốc gia Kông Ka King trong một buổi sáng nhiều nắng và gió. Xuất phát từ trụ sở chính của Vườn, Ban lãnh đạo và đội kiểm lâm chia hành trình thành 4 tuyến đi trong 2 ngày theo đường mòn trong rừng.

Khoanh vùng có thể phát triển du lịch sinh thái và đưa chúng tôi đi theo hướng đó để khảo sát địa hình. Bắt đầu từ điểm xuất phát đến Trạm nghiên cứu, sau đó theo đường mòn về lại trạm nghỉ ngơi. Hôm sau đến Bãi Nai và cây thông năm lá cổ thụ quý hiếm.



Bắt đầu hành trình ngày đầu tiên đoàn leo bộ khoảng 2,5 km đường rừng đến với đỉnh đá Trắng có độ cao 1.300 mét so với mực nước biển. Leo lên đỉnh tầm nhìn bao quát cả một khoảng rừng, một không gian núi rừng hùng vĩ, bao la rộng mở thu nhỏ trong tầm mắt.

Đây là một mỏm đá đồ sộ, nhiều hình thù, kích thước khác nhau, điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi và dùng bữa trưa để lấy lại sức tiếp tục cuộc chinh phục.



Khu vực này có rất nhiều loài thực vật chủ yếu là cây lá rộng và lá kim, nhiều loài thạch lan, rêu, chân chim... sống bám trên mỏm đá. Phải kể đến là không khí khác hẳn so với bên ngoài, mang lại cảm giác mát lạnh, sảng khoái, dễ chịu.

Từ đây tiếp tục cuộc hành trình đến Trạm Nghiên cứu voọc mất khoảng 1,5 km. Chúng tôi trở xuống dốc độ nghiêng khoảng 70 độ đi theo đường mòn, trên đường đi phát hiện ra nhiều loài lan như: Kim điệp, Móng Rùa…



Các cán bộ Kiểm lâm là người dẫn đường và hướng dẫn đoàn chúng tôi với lòng nhiệt tình, cởi mở tận tình giới thiệu các loài động-thực vật trong rừng. Chúng tôi đi với tốc độ chậm, vừa phải, vừa đi vừa quan sát, tìm hiểu trong bầu không khí trong lành, sảng khoái. Những lần phát hiện ra các dấu hiệu của động vật hay các loài cây lạ đều mang lại cảm giác phấn khởi, vui mừng cho đoàn, đặc biệt là các anh kiểm lâm.

Có lẽ như là sự sắp đặt sẵn của tạo hóa ban tặng, trên đường đi có nhiều cây nhỏ, dây leo làm độ bám chắn cho người leo xuống vì độ dốc rất cao. Khi đi đến khu vực suối Hàng Ngoi cách đỉnh đá trắng khoảng 1,5 km độ ẩm cao, xuất hiện nhiều loài động-thực vật hơn như các loài cây thân thảo, cây tái sinh, dương xỉ…


< Ếch cây cựa Rhacophorus robertingeri được tìm thấy ở VQG Konkakinh.

Đến Trạm Nghiên cứu voọc, nơi các nhà nghiên cứu, sinh viên chuyên ngành sinh học dừng chân nghiên cứu tập tính sinh thái, thức ăn của voọc, viết báo cáo, xử lý số liệu. Điều đáng tiếc nhất trong chuyến đi này là chúng tôi không được tận mắt nhìn thấy loài voọc chà vá chân xám, loài động vật chủ yếu trong Kông Ka King này, chỉ nhìn thấy một số thức ăn còn sót lại của chúng.

Rừng ở khu vực này bị tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài, trước đây bị khai thác các cây quý có đường kính lớn như hương, trắc, dổi… giờ chỉ là rừng tái sinh sau này chuyển thành khu bảo tồn. Đa số hệ sinh thái được giữ lại, chỉ mất đi một số cây lớn còn cây nhỏ được tái sinh. Đa số hệ thống đường mòn có kích thước lớn ở đây đều do lâm trường mở. Đặc biệt các anh mới phát hiện ra loài khướu lạ và đặt tên luôn cho chúng là khướu Kông Ka King.

Hành trình ngày thứ hai chúng tôi đến với Bãi Nai sau khi băng qua nhiều con suối nhỏ, nước trong vắt. Nơi đây là khoảng đất trống, rộng, cỏ xanh trải cả một khoảng trời, khí hậu mát mẻ rất thích hợp cho sự phát triển của nai.

Ban Quản lý Vườn đang tập trung nhân lực, kinh phí xây dựng chuồng, trại để quy hoạch, nghiên cứu, phát triển nhiều loài động vật thích hợp với môi trường sống ở khu vực này như: Voọc chà vá chân xám, hươu, nai… tạo điều kiện tốt cho du khách khi đến với Kông Ka King sẽ được tận mắt ngắm các loài động vật mà khi đi trong rừng không có cơ hội nhìn thấy.

Vườn Quốc gia Kông Ka King còn hấp dẫn du khách với  nhiều cảnh đẹp thác, núi hùng vĩ. Tiêu biểu là thác 95, thác 3 tầng, đỉnh núi Kông Ka King, cầu treo, rừng thực vật, buôn làng đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống lâu đời…

Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kông Ka King, điểm đến lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tham quan và tận hưởng không gian đặc trưng của núi rừng bao la trong không gian thiên nhiên rộng mở.

Theo Võ Thanh Thảo (Báo Gia Lai)
Du lịch, GO!

Thác 9 Tầng (Gia Lai)


Thác Chín Tầng thuộc xã Ia Sao huyện Ia Grai (Gia Lai), được xem là chốn “bồng lai tiên cảnh” giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Thác Chín Tầng cách trung tâm huyện Ia Grai 16km và cách trung tâm thành phố Pleiku 27km về phía Tây Bắc.

< Thác 9 tầng Ia Grai.

Ngày nay đường đi cơ bản đã được trải nhựa nên việc đi lại rất thuận lợi, dọc theo hai bên đường là những rẫy cà phê xanh ngút ngàn nằm thoai thoải bên các sườn đồi tạo nên một phong cảnh rất thơ mộng và hữu tình, không khí nơi đây thật dễ chịu và trong lành làm cho quãng đường đi dường như ngắn lại.



< Một trong những hồ nước của thác 0 tầng.

Dọc hai bên đường, những nương cà phê  ngút ngàn đang trổ hoa trắng muốt như những bông tuyết vương nhẹ trên thân cây, tạo nên một phong cảnh  thơ mộng và hữu tình giống như đến với Sa Pa những ngày đông giá.

Đặt chân đến dòng thác, không khí mát mẻ bao trùm làm ta quên ngay cái nóng nực của mùa khô Tây Nguyên.



Dòng thác được bao bọc bởi hệ sinh thái rừng còn khá nguyên sơ, đa dạng, tạo nên một nét đẹp góp phần làm tạo ra sự hùng vĩ, bí ẩn. Nước từ dòng thác lớn đổ xuống với dòng chảy mạnh quyện vào vách đá tạo nên một âm thanh vang vọng giữa núi rừng trùng điệp.

Không biết tự bao giờ, thiên nhiên đã tạo nên vẻ đẹp hiếm có này: Thác Chín Tầng là dòng thác lớn bắt nguồn từ trên đỉnh núi cao đổ xuống với dòng chảy mạnh quyện vào vách đá tạo nên một âm thanh vang vọng giữa núi rừng trùng điệp.



Dọc theo dòng thác là những vách đá gồ ghề, phân cấp chín tầng cao thấp khác nhau, cái tên thác Chín tầng được xuất phát từ chính địa hình độc đáo này của dòng thác. Ngoài ra, ở 2 tầng cuối cùng độ cao khoảng 10-15m dựng đứng tạo nên dòng chảy mạnh, nước cuộn xoáy.

Những vách đá gồ ghề được phân từng lớp khác, nhìn từ xa tựa như những thửa ruộng bậc thang của miền Tây Bắc.

Vì được phân thành nhiều tầng, nên ở mỗi tầng thường có những hố nước sâu trong vắt nhìn thấy rõ từng đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội. Những lúc ánh nắng mặt trời vắt qua tạo ra những ánh cầu vồng  lung linh huyền ảo.

Thác không quá cao nhưng lại trải dài uốn lượn dọc những vách đá trầm tích lâu năm, có màu đỏ huyền bí. Nhìn từ bên sườn, du khách có cảm giác thác như một cầu thang trải dài, phủ đầy nước. Nếu quan sát từ trên cao, thác như một con rồng đang uốn mình, chuẩn bị tung vút lên bầu trời. Xung quanh thác là hệ sinh thái rừng còn khá nguyên sơ, góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang dã và hùng vĩ của thác



Thác có khá nhiều phiến đá lớn giúp cho du khách nghỉ chân để hưởng những luồng hơi nước mát rượi mỗi khi có cơn gió thoảng qua.

Nếu ai có ý định khám phá vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ của núi rừng Tây Nguyên thì đây là nơi lý tưởng và thú vị.

Du lịch, GO! - 

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Nghề dệt thổ cẩm ở làng Len Tô (Gia Lai)


Ở làng Len Tô, thị trấn Đắk Pơ, huyện Đắk Pơ (Gia Lai), không khó để du khách bắt gặp cảnh các bà, các chị dân tộc Ba Na đang ngồi bên khung cửu, chăm chú, say mê sáng tạo từng đường nét, hoa văn trên mảnh thổ cẩm.

Dệt thổ cẩm là một nghề đang nhạt nhòa dần trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số bởi nguồn tiêu thụ ít trong khi chi phí, công sức và thời gian để đầu tư cho sản phẩm khá lớn. Mặc dù vậy, nhiều chị em phụ nữ làng Len Tô (thị trấn Đắk Pơ, huyện Đắk Pơ) không coi đây là một nghề để kiếm sống, thời gian nông nhàn, họ lại ngồi cả ngày bên khung cửi, chăm chút cho từng họa tiết chỉ để giữ nghề…

Dọc theo con đường làng trải bê tông sạch sẽ là bóng dáng của chiếc khung dệt đặt dưới gốc cây mít, cây me trước sân những ngôi nhà. Một vài phụ nữ đang se sợi, số khác cặm cụi, tỉ mỉ đưa con thoi trên tấm thổ cẩm đang dần thành hình…

Hầu hết phụ nữ ở làng Len Tô đều biết dệt. Họ học lại từ chính người mẹ, người chị và ý thức được đây là nghề truyền thống của đồng bào mình. “Đã là người đồng bào thì phải biết dệt thổ cẩm”-bà Đinh Thị Quái (53 tuổi) quả quyết. Chính vì vậy mà trước mỗi ngôi nhà ở làng Len Tô này không thể không có chiếc khung dệt và mỗi gia đình đều có ít nhất một người biết dệt thổ cẩm. Bà Quái chia sẻ: “Một năm, mình chỉ dệt khoảng 1-2 bộ đồ và chỉ dành để mặc cho những dịp quan trọng trong làng, trong gia đình chứ không bán. Thỉnh thoảng vẫn có người từ làng khác vào tìm mua đồ thổ cẩm, giá của mỗi bộ khá cao từ 1,6 triệu đồng đến 2 triệu đồng nhưng chỉ khi nào có đồ dư thì mọi người ở đây mới bán”. Dulichgo



Không chỉ gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, một vài người già trong làng vẫn còn lưu giữ cách làm truyền thống. Họ tự tay trồng bông, kéo sợi, se sợi, nhuộm màu cho sợi và dùng sợi đó để dệt nên bộ đồ thổ cầm đặc biệt cho riêng mình. Mặc dù đã bước sang tuổi 70 nhưng bà Kring vẫn rất khỏe khoắn, minh mẫn. Biết dệt từ năm lên 9 tuổi và được mẹ truyền dạy lại cách quay bông, ép sợi, nhuộm màu nên công việc ấy với bà chẳng hề có chút khó khăn nào. Bà Kring cười móm mém: “Với lũ trẻ bây giờ thì dệt bằng chỉ mua ở ngoài chứ không ai biết tự làm sợi mà dệt cả. Chúng bảo làm thế khó quá, nhiều công đoạn chúng không làm được”.

Chỉ riêng công đoạn nhuộm sợi thôi cũng đã thấy lắm công phu. Người ta lấy vỏ hoặc lá cây trum ngâm xuống nước cho nhũn, chuyển thành màu lam thì cho sợi bông đã quay vào khuấy đều để sợi lên màu, sau đó phơi khô và cuộn lại. Trong làng cũng chỉ mình nhà bà Kring là còn cây trum.



Nhuộm sợi bằng cây trum cho màu đẹp hơn, sợi mềm và đen hơn so với chỉ bán ngoài tiệm. “Chỉ tiếc là đất bây giờ đã trồng mía hết, mỗi năm cũng chỉ trồng được ít bông, đủ để quay sợi dệt được một bộ đồ nữ. Vì vậy, tôi chỉ để dành cho con cháu mặc đi biểu diễn, đi đám, lễ mà thôi”.

Hình ảnh mẹ gỡ sợi, con gái ngồi bên khung chăm chỉ luồn qua lại con thoi, sắp xếp hoa văn làm nên nét yên bình cho ngôi làng Len Tô. Ở làng này, nhiều em gái mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng cũng đã biết dệt thành thạo. Những người phụ nữ ở đây coi việc dạy cho con gái biết dệt thổ cẩm là bổn phận của mình.

Theo Phương Linh (Tin Gia Lai)
Du lịch, GO!

Bài đăng phổ biến